Tuần qua, lại nghe Sở Y tế TP.HCM khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công BV Ung bướu trị giá 6.000 tỉ đồng…
Việc xây bệnh viện để giải quyết nhu cầu của người dân là cần thiết nhưng điều đấy lại làm nhớ đến cách đây vài năm, lãnh đạo một sở còn đòi bán luôn cả các sân Hoa Lư, Lam Sơn và hồ bơi Yết Kiêu để bê tông hóa TP.
Nghịch lý là bệnh viện mọc lên bao nhiêu cũng thiếu, trong khi đất cho thể thao thì cứ bị thu hẹp lại. Thậm chí chính những khuôn viên thể thao nay cũng tranh thủ cho thuê quán nhậu, quán cà phê, bãi đậu xe...
Trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, quanh những cơ sở thể thao toàn là cây xanh mát mẻ và rộng rãi thu hút mọi người đến chơi thể thao, hít thở không khí trong lành… Khác hẳn với ta quanh các cơ sở thể thao - kể cả cơ sở đỉnh cao đều bị quán nhậu, karaoke, bãi xe vây kín, dần dần đất dành cho thể thao bị thu hẹp lại… bởi các dịch vụ và bê tông hóa.
Câu nói “đầu tư cho thể thao 1 đồng thì làm lợi cho y tế 100 đồng” không phải chỉ là của riêng HLV Calisto, bởi nó là thực tế ai cũng thấy, nhưng thực hiện thì không phải ai cũng làm.
Trước đây khi còn làm Thủ tướng Thái Lan, bà Singlurk Sinawatra từng nhiều lần phát biểu: “Một TP văn minh, hiện đại không phải là của những ngôi nhà chọc trời, những tấm kính màu, mà là TP có nhiều cây xanh, nhiều cơ sở thể thao, nhiều sân tập thể thao cho cộng đồng”.
Nghĩ bệnh viện quá tải vì lượng cung không đủ cầu cũng đúng nhưng cũng cần phải nghĩ xa hơn từ việc sức khỏe cho cộng đồng từ các sân chơi lành mạnh sẽ làm giảm đi bệnh tật và giảm lượng “cầu” ngày càng gia tăng đến bệnh viện.