GS - TS Nguyễn Minh Thuyết: "Phải nhìn nhận khách quan và bao dung hơn...không phải chỉ từ một vài hiện tượng cá biệt mà nhìn nhận giới trẻ khác đi". (Ảnh: Ng.L)
Vụ án nữ sinh Vũ Thị Kim Anh (từng là SV trường ĐH Sư phạm Hà Nội) giết người tình trên xe Lexus chưa kịp lắng xuống thì mới đây dư luận lại bàng hoàng trước hành vi giết người man rợ của Nguyễn Đức Nghĩa (SV trường ĐH Ngoại thương Hà Nội). Cả hai vụ án đều liên quan đến tình ái, và người thực hiện đều theo học tại những trường ĐH danh tiếng của Việt Nam.
Liệu những vụ việc đó có tác động đến cách nhìn nhận của xã hội về giới trẻ hiện nay, nhất là giới trí thức trẻ? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng có gần 40 năm làm công tác giảng dạy, để có thêm một cách lý giải, một cách nhìn đa chiều về vấn đề này.
- Thưa ông, vụ án nữ sinh Vũ Thị Kim Anh giết người tình khiến dư luận chưa hết “sốc” thì mới đây, vụ sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa giết bạn gái rồi chặt đầu phi tang tiếp tục khiến dư luận bàng hoàng, bởi người thực hiện cũng được coi là trí thức nhưng lại thực hiện hành vi giết người rất dã man. Có ý kiến cho rằng hậu quả của những hành vi trên là do cách giáo dục của nhà trường và gia đình hiện nay đang “có vấn đề”?
Nếu chỉ quy trách nhiệm này cho ngành giáo dục thì oan cho ngành giáo dục. Bởi vì giáo dục bao giờ cũng hướng tới tinh thần nhân văn, giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên. Những gì có tính chất bạo lực đã bị gạt hết ra khỏi sách giáo khoa. Thậm chí, những cái thời chiến tranh mà mình có thể tuyên truyền như bắn xuyên táo cũng đã gạt ra rồi, chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh và tính dũng cảm, tức là không thông qua một số hình tượng nặng nề về bạo lực giết chóc, không có đầu rơi máu chảy.
Vì vậy, nếu chỉ dồn trách nhiệm cho một mình nhà trường làm thì rất khó, mà phải có giáo dục của xã hội, trong đó yếu tố gia đình rất quan trọng.
- Nhưng với hai vụ việc cụ thể nêu trên, người thực hiện đều có học lực tốt, gia đình tốt, vậy theo ông, tại sao họ lại có thể hành động phi nhân tính như thế?
Theo tôi, những trường hợp giết chóc dã man như thế là cá biệt, do cá nhân thực hiện. Hơn nữa cũng chưa đánh giá hết được nguyên nhân, cũng có thể có cả yếu tố tâm lý, bệnh lý nào đó. Hành động của họ là rất đáng lên án, không thể chấp nhận được, nhưng không nên vì một vài trường hợp cá biệt để quy kết cho số đông các bạn trẻ.
- Là người tiếp xúc thường xuyên với giới trí thức trẻ trong suốt gần 40 năm qua, ông đánh giá thế nào về lối sống của giới trí thức trẻ qua các thời kỳ, lối sống hiện nay của họ có những lệch chuẩn nào cần phải báo động, thưa ông?
Thực ra, ngay từ hồi tôi còn bé, thời mà mọi người nhìn nhận xã hội rất tốt đẹp thì cũng có những vụ án xuất phát từ tình ái, từ tài sản tương tự thế này. Cá nhân tôi cũng nghe, cũng tò mò đi xem. Chỉ có điều thời đó báo chí không đăng tin nhiều như bây giờ.
Còn trong thời kỳ hiện nay, cùng với quá trình giao thương quốc tế và quá trình phát triển kinh tế thị trường, rồi với thông tin đa dạng ở trên mạng, có thể nói nó đã ảnh hưởng mạnh hơn đến lối sống của giới trẻ. Nhiều giá trị truyền thống không được giới trẻ tôn trọng trong khi bản thân họ cũng chưa xây dựng được giá trị mới. Tôi cho rằng đây là vấn đề mà các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu cần đầu tư để có thể đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp.
- Trong số rất nhiều lý do mà dư luận đưa ra để lý giải cho tội ác của hai sinh viên nói trên, có ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay rất thiếu kỹ năng sống, cộng với tính ích kỷ, lối sống buông thả đã dẫn tới những hành động không kiểm soát và mất nhân tính. Quan điểm của ông về việc này ra sao?
Hiện nay trong ngành giáo dục cũng đang đặt ra vấn đề tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các môn học hiện nay người ta không giáo dục kỹ năng sống. Nhiều vấn đề rất phức tạp, không phải chỉ giáo dục qua sách giáo khoa ở nhà trường mà nó phải có một cách xây dựng mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa các đoàn thể với người được giáo dục, giữa gia đình, xã hội với người đó để làm sao giáo dục của mình phải có hiệu quả thiết thực.
Nhưng hiện nay, có một hiện tượng không phải chỉ trong giới trẻ, đó là lối sống hai mặt: nói một đằng làm một nẻo. Đấy là hiện tượng rất tai hại. Nếu mình không để cho con người bộc lộ được nhận thức, suy nghĩ một cách hoàn toàn tự giác thì không thể có cách gì để giám sát mọi hành vi của người khác.
- Cá nhân ông là người tiếp xúc nhiều với giới trẻ, sau những vụ việc này, cái nhìn của ông về giới trẻ có khác trước?
Thâm tâm tôi vẫn rất tin vào giới trẻ. Tôi vẫn cho rằng, đại đa phần anh em trẻ tốt, thậm chí một số bạn trội hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa. Phải nhìn nhận một cách khách quan hơn và bao dung hơn, không phải chỉ từ một vài hiện tượng cá biệt, hoặc mới chỉ phổ biến ở một vài nơi nhất định và giới nhất định mà mình đã nhìn nhận giới trẻ khác đi. Đánh giá một con người, một vật thể, một tầng lớp rất quan trọng, đánh giá đúng thì mới khuyến khích được họ, còn đánh giá không đúng thì giáo dục sẽ không đúng.
Nhiệm vụ của cả xã hội là làm sao hạn chế đối tượng, hành vi đi ngược lại với giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội để những người trẻ còn lại nhìn nhận không tiêu cực.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Nhật Anh (VTC)