Trong đó, báo cáo nhấn mạnh nếu thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì phải thiết lập chế độ thủ trưởng triệt để, đồng thời nâng cao vai trò của thủ trưởng cơ quan hành chính, tăng quyền quản lý điều hành. Xoay quanh vấn đề này,Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trương Đắc Linh (Trường ĐH Luật TP.HCM) - chuyên gia nghiên cứu về chính quyền địa phương.
Ngồi đợi tập thể họp có khi lỡ việc
. PV: Thưa PGS, vì sao bộ máy hành chính của chính quyền đô thị cần phải “Thiết lập chế độ thủ trưởng triệt để”?
. Cơ chế thủ trưởng sẽ khắc phục được những hạn chế nào trong vận hành của bộ máy hành chính hiện nay?
+ Cơ quan hành chính hiện nay hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là cơ chế chung của toàn hệ thống chính quyền, nó phù hợp với hoạt động ra chủ trương, nghị quyết. Cơ chế này có ưu điểm là hạn chế được những sai lầm cá nhân, mang tính thống nhất cao. Nhưng hạn chế của nó là làm cho cỗ máy hành chính trì trệ, không liên tục, trái với tính chất hành chính. Điều ấy dẫn đến nhiều hệ lụy trong quản lý hành chính nhà nước như tình trạng bấy lâu nay ta hay nói là “cha chung không ai khóc”, khi có công thì thụ hưởng, còn có sai sót, hậu quả thì trốn tránh, đổ thừa cho tập thể.
Có chế độ thủ trưởng, bộ máy hành chính của thành phố sẽ gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: HTD
Trong khi đó, cách thức làm việc của chế độ thủ trưởng trong cơ quan hành chính là dựa trên sự linh hoạt điều hành của người đứng đầu nhưng cũng không hoàn toàn hạn chế trí tuệ tập thể. Với những việc hệ trọng, cần phải huy động sức mạnh, trí tuệ của tập thể, người đứng đầu vẫn có thể triệu tập hệ thống tham mưu cho mình để phân tích, nắm bắt kỹ tình hình rồi mới ra quyết định. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng chân lý có thể không thuộc về đám đông nhưng vẫn phải chấp nhận vì theo biểu quyết của số đông. Trong khi cái cần tuân thủ nhất chính là yêu cầu thực tiễn đặt ra và hiệu quả để giải quyết sự việc.
Bớt cấp phó trung gian
. Cụ thể, trong bộ máy hành chính hiện nay ở các đô thị lớn, “sự nặng nề, trì trệ” ấy đã biểu lộ như thế nào?
+ Nhìn là thấy, cỗ máy UBND cấp tỉnh/TP của chúng ta hiện nay rất nặng nề. Dưới ông chủ tịch UBND có rất nhiều vị phó chủ tịch và các thành viên UBND. Theo tôi, nên bớt cấp phó đi, thay vào đó nên mạnh dạn giao quyền hạn, trách nhiệm cho các thủ trưởng đứng đầu các sở, ngành quản lý nhà nước ở các lĩnh vực. Người đứng đầu TP sẽ điều hành công việc qua các thủ trưởng này để quy trình nhanh hơn, trực tiếp hơn. Cần giải quyết việc gì, người đứng đầu cơ quan hành chính TP sẽ làm việc với giám đốc các đơn vị này chứ sao lại qua thêm tầng nấc trung gian nữa.
. Nhưng như thế liệu có quản lý hết các mảng đời sống kinh tế xã hội, vốn rất rộng, phức tạp ở các đô thị lớn?
+ Với cấp phó, ta cần người có năng lực để giúp việc cho người đứng đầu và có thể thay mặt được người đứng đầu trong trường hợp cần thiết. Chứ còn hiện nay, có quá nhiều cấp phó phụ trách từng khối. Vậy là có thêm một tầng nấc điều hành nữa. Mỗi người lại điều hành theo một hướng. Thế là sinh ra thêm một tầng nấc trung gian không cần thiết làm nặng cho bộ máy và nặng cho cả hoạt động của hệ thống. Cho nên mới có tình trạng bộ máy hành chính của ta cứ suốt ngày bận họp hành.
Đó là chưa nói đến tình trạng thành viên của UBND lại có một số vị là giám đốc các sở. Sao lại có chuyện cùng một lúc đứng ở hai tư cách: Vừa là người đứng đầu cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý ngành, vừa là thành viên UBND để bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động đó? Chúng ta cần phải thiết kế lại bộ máy hành chính cho gọn nhẹ, phân cấp rõ ràng theo cơ chế của chế độ thủ trưởng để hoạt động cho hiệu quả hơn.
Tiến tới để dân bầu trực tiếp
. Thưa PGS, nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu giao quá nhiều quyền vào một cá nhân thì dẫn đến tình trạng lạm quyền, chuyên quyền?
+ Tình trạng lạm quyền, chuyên quyền vẫn đang xảy ra hiện nay đó thôi. Đúng là khi áp dụng chế độ thủ trưởng cái được là đảm bảo được tính khẩn trương, trực tiếp; quy trách nhiệm dễ dàng nhưng cũng có thể dẫn đến khả năng sai lầm trong quyết định và tình trạng lạm quyền. Cần phải có cơ chế để hạn chế được điều này.
Thứ nhất, pháp luật quy định rõ quy trình bổ nhiệm hoặc bầu người đứng đầu thật chặt chẽ. Trong đó phải quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chuẩn người đứng đầu và công khai minh bạch quy trình và tiêu chuẩn đó. Thứ hai, phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo cáo, giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ ba, phải đảm bảo cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý với các vi phạm của người đứng đầu.
Đặc biệt, cần chú ý đến cơ chế giám sát của nhân dân. Tiến tới các chức danh thị trưởng, quận trưởng, huyện trưởng… nên do cử tri trực tiếp bầu, mà nhiều nước (như Hàn Quốc, Nhật Bản...) đã thực hiện từ nhiều năm nay. Đây chính là sự lựa chọn, đánh giá và kiểm soát hữu hiệu nhất của nhân dân đối với người đứng đầu cơ quan hành chính của các cấp chính quyền đô thị.
. Xin cảm ơn ông.
Bản chất của cơ quan hành chính nhà nước là mang tính chấp hành, điều hành, là thực hiện quyền hành pháp nên theo chế độ thủ trưởng là phù hợp. Montesquieu và Rousseau, những người sáng lập học thuyết phân quyền và khế ước xã hội đã khẳng định rằng: Quyền hành pháp, do đặc thù của nó, cần giao cho một cá nhân. Hành pháp là nơi cần hành động hơn là luận bàn, nơi cần sự ứng phó nhanh và mau lẹ, đúng lúc, quả quyết với những diễn biến phức tạp, đa dạng, nhanh chóng, thường xuyên và liên tục của đối tượng quản lý, của những nhiệm vụ mới phát sinh đòi hỏi phải giải quyết gấp rút. Do đó, đây là nơi đòi hỏi phải có trách nhiệm cá nhân rõ ràng và chế độ thủ trưởng phù hợp với yêu cầu này. Nó khác với các cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan quyết nghị các chủ trương, biện pháp (HĐND) hoạt động theo nguyên tắc tập thể để thảo luận một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc mọi khía cạnh của vấn đề, cân nhắc mọi quan điểm một cách dân chủ trước khi quyết định được thông qua theo đa số. PGS-TSTRƯƠNG ĐẮC LINH |
MINH CƯỜNG thực hiện