Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM được xây dựng ra sao?

(PLO)- Quy trình soạn thảo đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM bao gồm 3 bước, bảo đảm chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kỹ năng, phân loại thí sinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6. Trước đó, ngày 5-6, thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi.

3 bước xây dựng đề thi

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện theo quy trình ba bước.

đề thi tuyển sinh vào lớp 10
Học sinh lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận 3 trong một giờ ôn tập. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tổ ra đề thi có trách nhiệm thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, bảo đảm các yêu cầu quy định đối với đề thi chính thức và đề thi dự phòng.

Theo phân công của Trưởng ban Ban soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề thi và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần; ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi được báo cáo Trưởng ban soạn thảo đề thi, làm căn cứ để Trưởng ban soạn thảo đề thi tham khảo trong quá trình duyệt đề thi.

Trên cơ sở ý kiến của các cán bộ phản biện đề thi, tất cả các thành viên của tổ ra đề cùng tinh chỉnh, hoàn thiện đề thi, ký tên và trình Trưởng ban soạn thảo đề thi phê duyệt; sau đó, Tổ trưởng ra đề thi ký tên và trình Trưởng ban soạn thảo đề thi duyệt để tổ chức in sao.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 phải bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm, lời văn, câu chữ phải rõ ràng; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, bảo đảm phân loại được thí sinh; đề thi phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi, điểm của bài thi được quy về thang điểm 10; đề thi phải ghi rõ có mấy trang, ghi rõ chữ “Hết” tại điểm kết thúc đề thi.

Ngoài ra, trong một kỳ thi, mỗi bài thi có đề thi chính thức và đề thi dự phòng đáp ứng các yêu cầu quy định; mỗi đề thi có đáp án, hướng dẫn chấm thi.

Cấu trúc các môn của đề thi tuyển sinh vào lớp 10

Môn Văn gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).

đề thi tuyển sinh vào lớp 10
Một giờ học của học sinh Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đối với phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có một câu hỏi về tiếng Việt.

Khi trả lời, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Thí sinh trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Bài nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ), phải có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Bài viết xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Để làm tốt, thí sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận.

Viết bài văn nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn một trong hai đề để làm bài.

- Đề 1: Đề yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

- Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Môn Toán: Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đề thi môn Toán mức độ kiến thức nhận biết, thông hiểu chiếm 70%, vận dụng và vận dụng cao 30%.

Cụ thể, bài 1 vẽ đồ thị - tìm giao điểm; bài 2 về định lý Vi-et, nghiệm phương trình. Năm bài toán tiếp theo là toán thực tế. Bài số 8 là toán hình học với ba câu, câu cuối cùng là câu khó dùng để phân loại, chọn học sinh giỏi.

Đề thi tiếng Anh bao gồm 40 câu hỏi. Trong đó, 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% mức vận dụng và vận dụng cao (câu hỏi vận dụng cao khoảng 10%).

Đề không chú trọng nhiều vào ngữ pháp mà tập trung vào kỹ năng và từ vựng.

Nội dung đề vẫn có hai bài đọc nhằm kiểm tra năng lực đọc hiểu của TS. Những câu hỏi thuộc dạng phân hóa TS dự kiến sẽ nằm ở phần đọc - hiểu và viết lại câu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm