Trong phần nói về những hạn chế, yếu kém, dự thảo báo cáo cũng đã chỉ ra “Kết quả giảm ngập nước chưa bền vững, khả năng tái ngập cao; ý thức và hành vi bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư và doanh nghiệp còn thấp nhưng chưa có các giải pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời”. Như vậy, về cơ bản là đã “bắt trúng bệnh” nhưng vấn đề còn lại là “bốc thuốc” như thế nào.
Có một điều hiển nhiên mà chúng ta phải chấp nhận, đó là quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng - đây là quy luật phát triển của xã hội. Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ấy, nhiều không gian thoát nước không còn, tình trạng bê tông hóa, xi măng hóa tất cả các nơi khả dĩ có thể thoát nước, thấm nước, lưu giữ nước… Các hồ, kênh rạch tự nhiên ở TP ngày càng bị thu hẹp, nhiều nơi bị san phẳng chính là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng ngập đô thị hiện nay. Để giải quyết căn cơ vấn nạn này là điều không dễ và cần nguồn kinh phí khổng lồ. TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đang chuẩn bị thực hiện là xây hồ điều tiết chống ngập trong TP. Trong tình hình hiện nay, đây có thể xem là giải pháp căn cơ và có tính khả thi. Tuy nhiên, xét đến cùng, đó vẫn chỉ là giải pháp trị “triệu chứng” mà chưa phải trị “nguyên nhân” của tình trạng này.
Vấn đề thoát nước, chống ngập cho TP sẽ không thể đòi hỏi mang lại hiệu quả ngay tức thì trong ngày một, ngày hai. Nhưng nếu các cơ quan có trách nhiệm không gấp rút vào cuộc thì không chỉ năm năm tới mà có thể nhiều năm tới vẫn khó có thể giải quyết căn cơ, triệt để vấn nạn này. Tiền rất quan trọng nhưng không phải cứ chi nhiều tiền thì sẽ chống ngập thành công. Theo tôi, ngoài những giải pháp mà dự thảo báo cáo chính trị đã đề ra, cần quan tâm thực hiện quyết liệt các nội dung khác, đó là:
Một là, ngay từ bây giờ, ngay từ khâu quy hoạch, xây dựng, các cơ quan có trách nhiệm của TP cần phải giữ lại không gian thoát lũ, những dòng kênh, hồ nhân tạo. Cần giải quyết tận gốc hiện tượng “ăn xổi”, cứ san ủi, lấp hết, rồi sau đó là tiến hành xây hồ điều tiết sẽ gây hậu quả và lãng phí vô cùng lớn.
Thứ hai, tất cả vỉa hè, khu công viên, sân bãi công cộng… cần có quy định chặt chẽ về việc lát bằng loại gạch, đá hoặc bê tông có lỗ rỗng để thoát nước. Khi đó, sẽ có một lượng lớn nước mưa không chảy trực tiếp ngay vào cống thoát nước mà thấm xuống và lưu trữ tạm lại dưới đáy lớp lát mặt, để từ từ thấm vào nền đất bên dưới.
VŨ TRUNG KIÊN (Học viện Chính trị khu vực II)