Sáng 19-9, 2.091 HS lớp 10, lớp 11 và lớp 12 tại TP.HCM tham gia kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT năm học 2023-2024.
Chủ đề của đề thi:
Tìm mình trong kẻ khác
Câu 1(8 điểm)
Tìm giá trị của riêng mình trong “kẻ khác”:
khi “kẻ khác” là người khác, ta thấy…
khi “kẻ khác” là trí tuệ nhân tạo, ta thấy…
Từ gọi dẫn trên, anh/chị hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh.
Câu 2 (12 điểm)
Người đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, là đi tìm chính bản thân mình.
( Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Đức Hiểu, Tạp chí Sông Hương, số 136)
Bằng trải nghiệm văn học anh/chị hãy bàn luận về vấn đề mà ý kiến trên gợi ra.
“Một đề thi đầy cảm xúc…” – một giáo viên dạy văn tại một trường THPT ở quận 5 bày tỏ.
Giáo viên này cho biết, nhiều năm gần đây TP.HCM có truyền thống ra đề cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học trong kỳ thi tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT xoay quanh một chủ đề.
Chủ đề được chọn khá thú vị, mang đến nhiều cảm xúc cho thí sinh: “Tìm mình trong kẻ khác”.
Ở câu nghị luận xã hội, có thể thấy, đằng sau những dấu chấm lửng trong gợi dẫn là những vấn đề vừa mang tính muôn thuở, vừa mang tính thời đại với con người. Bằng những trải nghiệm, vốn sống của bản thân, thí sinh có thể trình bày những suy nghĩ của mình về hành trình đi tìm giá trị của mình ở người khác hay trong trí tuệ nhân tạo. Đây sẽ là một câu hỏi đầy gợi mở và cảm xúc cho các em có vốn sống và trải nghiệm sâu sắc.
Ở câu nghị luận văn học, đây là một cách gợi dẫn nhẹ nhàng mà khéo léo. Thí sinh có thể dễ dàng nhận ra vấn đề lý luận quen thuộc mà các em đã được học: tiếp nhận văn học.
Hành trình đọc một tác phẩm văn học chính là hành trình đi tìm vẻ đẹp của tác phẩm, đi tìm những thông điệp, tư tưởng được tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Nhưng đó cũng là hành trình đi tìm chính bản thân mình, tức là có sự đồng cảm, thấu hiểu, đặt mình vào tác phẩm, tìm ra câu trả lời cho những trăn trở của bản thân mình về cuộc sống. Câu hỏi vì thế cũng có tính liên kết chặt chẽ với chủ đề “Tìm mình trong kẻ khác”.
"Tóm lại, đây là một đề thi hay, cảm xúc, tạo được không gian cho thí sinh thể hiện những hiểu biết, suy nghĩ, trải nghiệm về cuộc sống và về văn học" - giáo viên này bày tỏ thêm.
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 4, tỉnh Nghệ An đánh giá đề văn hay, vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa thời sự.
Sự kết nối giữa hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học rất thú vị.
Trong đó, câu 1 gợi đến vấn đề vừa có tính muôn thuở vừa có tính thời đại. Giá trị riêng của mỗi người trong cộng đồng người và trong mối tương quan với trí tuệ nhân tạo. Khi trả lời được câu hỏi này, con người ta sẽ tự tin là chính mình để thích ứng với mọi biến động của thời cuộc.
Trong khi đó, câu nghị luận văn học lại hướng đến giá trị của văn học với đời sống tinh thần của con người. Mỗi tác phẩm chân chính đều mở ra cho chúng ta một hành trình khám phá, khám phá thế giới và quan trọng hơn, khám phá chính mình.
Đồng quan điểm, cô Đặng Thị Huy Lam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức nhận xét đề văn khá hay. Học sinh có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân và trải nghiệm về hành trình đi tìm chính mình. Hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều có sự tương liên lẫn nhau.