Đồng quan điểm, đại diện các trường đại học sư phạm cho rằng nên bỏ chính sách cấp bù học phí cho sinh viên (SV) theo học ngành sư phạm vì chính sách nhân văn này sau 20 năm thực hiện không còn phù hợp điều kiện thực tế.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng thẳng thắn phải bỏ ngay chính sách miễn giảm học phí cho SV sư phạm. Ngoài ra chỉ xét cấp học bổng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn để bù lại phần học phí đã đóng.
Minh định đề xuất trên, ông Dũng dẫn chứng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có một ngành sư phạm truyền thống (sư phạm tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm về kỹ thuật. 10 năm qua SV theo học 13 ngành (sư phạm) này được miễn học phí hoàn toàn.
Theo ông Dũng, đây là điều bất công với các lý do: Mỗi năm trường nhận 5-8 tỉ đồng cấp bù sư phạm nhưng cũng trong 10 năm qua trường phải bù lỗ cho số SV này khoảng 30 tỉ đồng. "Cấp bù sư phạm ít thì các trường sư phạm gặp khó khăn, không thu hút được nguồn lực để đào tạo cho ra ngô, ra khoai” - ông Dũng nhận xét.
Cùng đó lấy tiền của SV đóng học phí để “nuôi” SV sư phạm cũng là điều quá bất hợp lý. Ngoài ra thu nhập bình quân của người dân được nhích lên với các gia đình nông thôn, học phí không phải vấn đề họ lo nữa mà vấn đề là làm sao có việc làm.
PGS-TS Dũng thông tin thêm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang đề xuất Bộ GD&ĐT và Quốc hội thu học phí tất cả SV kể cả học ngành sư phạm. Sau đó SV nào ra trường làm việc trong ngành sư phạm thì sẽ chuyển tiền học phí về trường hoặc sở GD&ĐT mà các em đó làm việc. "Ngoài số tiền này, sở sẽ hỗ trợ thêm 3-4 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương sẽ giúp các em theo nghề sư phạm ổn định cuộc sống những năm đầu vào nghề và cống hiến tốt hơn” - ông Dũng chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, tính toán từ năm 2011-2017 ngân sách cấp bù sư phạm qua các năm này tăng đều. Cụ thể hiện nay là 483 tỉ đồng/50.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Thực tế cho thấy hiện có khoảng 50%-60% SV tốt nghiệp không có việc làm, con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn. Ngược lại, bỏ ngay chính sách cấp bù cho SV sư phạm thì các trường sư phạm hết sức khó khăn và khả năng chỉ tuyển được 40%-50% chỉ tiêu.
Theo đó PGS-TS Nguyễn Thám đề xuất cần giãn thời gian bỏ cấp bù cho SV sư phạm. Cùng đó cần quy hoạch lại mạng lưới các trường, khống chế chỉ tiêu và dần dần cân bằng giữa cung-cầu và mạnh dạn bỏ cấp bù cho SV sư phạm.