Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, Tập đoàn TH, Cơ điện lạnh (REE).
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân – khu vực đóng góp tới 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Theo Thủ tướng, cần có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Trong các ý kiến, thảo luận tại hội nghị, đại diện Tập đoàn TH gây chú ý với đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, nhằm cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung.
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH phân tích, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sữa tươi là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường…
Nền tảng khoa học và thực tiễn cho các đề xuất về luật dinh dưỡng học đường
Trước tình trạng bữa ăn học đường còn nhiều bất cập, đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường của Anh hùng Lao động Thái Hương và Tập đoàn TH được đánh giá là cần thiết, dựa trên các nghiên cứu khoa học và thực tiễn từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Năm 2013, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với chuyên gia Pháp và TH, triển khai mô hình nghiên cứu trên 3.600 trẻ tại 15 trường ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Nghiên cứu đánh giá khoa học khẩu phần ăn và tình trạng thiếu vi chất bằng xét nghiệm máu trước và sau khi uống sữa. Sản phẩm sữa TH true MILK là sữa học đường đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận cải thiện dinh dưỡng và vi chất, là cơ sở cho tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp giảm thiểu việc sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng trong trường học.
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế, phối hợp với các chuyên gia độc lập, đã tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển (như Nhật Bản) để thực hiện "Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực". Mô hình này được triển khai thí điểm trong năm học 2020 - 2021 tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Mô hình áp dụng bữa ăn học đường với thực phẩm tự nhiên, dựa trên lợi thế nông nghiệp vùng miền, và sữa tươi nguyên chất được bổ sung một cách khoa học. Điểm chính của mô hình là 400 thực đơn đa dạng, cân đối, giàu vi chất, với bữa phụ chiều gồm 1 ly sữa tươi nguyên chất để bổ sung canxi. Bên cạnh đó, mô hình kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất. Bữa ăn khoa học, hợp lý giúp cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, là giải pháp lâu dài và bền vững trong việc phòng chống thiếu vi chất ở trẻ em.
Theo bà Thái Hương, kết quả thực tiễn từ Mô hình điểm chỉ ra rằng, nếu cung cấp cho các trường các điều kiện cần và đủ bao gồm kiện toàn cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo chuyên môn, kết hợp giữa giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất thì có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, giảm suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì, các em phát triển tốt hơn về thể chất, tạo được thói quen ăn uống lành mạnh, giúp phòng chống bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.
Từ đó, bà cho rằng, Luật Dinh dưỡng học đường cần được xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu, bao trùm nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên, trên cơ sở các nghiên cứu, mô hình đã có kết quả thực nghiệm, như “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” là một dẫn chứng.