Cách đây năm năm, trận Sài Gòn FC của bầu Thụy đá với Navibank Sài Gòn của bầu Thọ cũng được gọi là derby giữa hai đội bóng cùng TP. Chỉ có một khác biệt cơ bản so với thời của Cảng Sài Gòn, CA TP.HCM, Hải Quan là cầu thủ đều từ nơi khác đến theo ý của ông bầu. Navibank Sài Gòn mua suất chuyên nghiệp của Quân khu 4 chuyển vào, còn Sài Gòn FC bê nguyên đội hình của Ninh Bình.
Các nhà làm bóng đá của hai CLB này khi chọn sân Thống Nhất làm sân nhà đều có những hứa hẹn rất hay ho, với một khao khát chung tay đưa bóng đá Sài Gòn tìm lại thời hoàng kim. Rất ít người yêu bóng đá Sài Gòn nhớ mặt, thuộc tên cầu thủ của hai đội nhưng họ vẫn chào đón bình thản theo kiểu “đất lành chim đậu”. Cũng có người ngờ ngợ hiểu được một phần từ “đất lành” liên quan đến dự án, đến đất vàng mà các ông chủ “hào phóng” đầu tư cho đội bóng mang tên TP.HCM.
Thế nhưng sự tồn tại của hai đội bóng ở nơi khác về nhân danh bóng đá Sài Gòn nhanh chóng tan biến. Họ đến rất nhanh rồi giải tán cũng rất nhanh khi không còn cảm thấy có lợi ích trong việc đầu tư cho bóng đá nhằm đổi lại những mảnh đất vàng hay dự án hái ra tiền. Chính vì thế, derby Sài Gòn thời điểm đó chẳng còn chút gì đọng lại trong ký ức của giới hâm mộ bóng đá.
CLB Sài Gòn (ảnh lớn)âm thầm ở mùa 2017, khác hẳn “người em” CLB TP.HCM ồn ào từ phòng thay đồ và những hình ảnh bóng bẩy. Ảnh: XUÂN HUY
Dàn chân dài cổ vũ của Sài Gòn FC hay việc Navibank Sài Gòn bỏ tiền thuê khán giả vào sân, phát áo, phát bánh mì càng làm người ta thèm không khí thật của những trận derby cách đây hơn chục năm giữa Cảng Sài Gòn, CA TP.HCM hay trước đó còn có Hải Quan. Khi ấy các đội bóng được chào đón những CĐV thứ thiệt.
Vòng 3 V-League vào chiều 18-1 có một cuộc đối đầu giữa “chủ nhà” Sài Gòn tiếp đội khách TP.HCM. Sự nóng bỏng của trận đấu này không phải do đoán định về chuyên môn mà bởi sự dè dặt đón nhận trở lại của người yêu bóng đá Sài Gòn cùng cách làm bóng đá của cả hai đội.
Sài Gòn có một mùa đá trên sân Thống Nhất ban đầu cũng rình rang tạo cơ chế thoáng lôi kéo khán giả bằng ca nhạc, tặng quà, mở cửa miễn phí để dần quên đi cái tên gốc Hà Nội. Họ chơi bóng nhiệt tình cùng thái độ ứng xử hòa nhã, thân thiện nhưng cuối mùa lại để chút tai tiếng trong trận thua dễ và thua đậm “người anh em” Hà Nội T&T. Chắc chắn sau một mùa chọn Thống Nhất làm sân nhà, những người làm bóng đá của CLB Sài Gòn đã hiểu ra chân lý để giữ chân khán giả Sài Gòn phải là thứ bóng đá chân thành và có tâm.
Đầu mùa này, Sài Gòn khá lặng lẽ trong chiến dịch bóng đá sạch, đẹp của mình và tỏ ra kiên nhẫn hơn với dụng ý ngầm so sánh với đội bóng cùng TP. Ngược lại, tân binh TP.HCM ngay từ buổi ra quân với tân Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh đã tung rất nhiều chiêu trò lên mặt báo. Từ chuyện họ sửa cái toilet cho đến phòng thay đồ, mua xe buýt mới hay đá thua cũng có thưởng làm xôn xao cả làng bóng về một tân binh “bóng bẩy”.
Chỉ một điều khác là Sài Gòn dù rất âm thầm vẫn từng bước khẳng định mình với hai trận thắng để leo lên nhì bảng xếp hạng, còn TP.HCM có 1 điểm, đứng thứ hai từ dưới đếm lên.
Chưa ai có thể đoán biết hai đội bóng có chung sân Thống Nhất sẽ làm và chơi bóng đá đến bao giờ, sau nhiều lần giới hâm mộ rơi rớt niềm tin từ các đội gắn chữ Sài Gòn mà không vì bóng đá Sài Gòn. Hy vọng derby Sài Gòn từ ngày 18-1 trở về sau luôn biết cách sưởi ấm lòng người yêu bóng đá tử tế mà không phải chợt đến chợt đi như những vị khách lỡ đường.
Chủ tịch Hội CĐV VFS Trần Hữu Nghĩa từ chối vé VIP Trên trang cá nhân, Chủ tịch Hội CĐV VFS Trần Hữu Nghĩa, cũng từng là cựu CĐV trung thành của Cảng Sài Gòn chia sẻ về trận derby: “Trận derby TP.HCM hấp dẫn một cách “bình thường như đường nông thôn” nhưng độ hấp dẫn sẽ tăng theo những lời càm ràm thổi phồng sự việc khiến dễ gây ra ngộ nhận đây là trận “derby phòng thay đồ”. Nên nhớ là cầu thủ tranh bóng ngoài sân cỏ chứ không phải ở trong phòng thay đồ. Khán giả Sài Gòn sẽ đến sân dù lúc này là thời điểm cận tết. Ủng hộ đội nào đây? Khó à nha... Cứ coi cả hai đội đều là đội nhà nhưng... nhà nào gần hơn? “Nhất cận thân, nhì cận lân”, ông bà xưa có dạy vậy mà.
Cả hai đội đều là đội nhà, hãy nhìn và thích nhà nào “đẹp” hơn (mọi người nhớ giùm là chữ đẹp trong ngoặc kép nha). Cả hai đội đều là đội nhà nhưng nhà nào kiên cố, bền vững hơn sẽ là lựa chọn của khách hàng thông minh. Cả hai đội đều là đội nhà nên hãy đối xử tử tế cho cả hai. Tử tế hiểu đơn giản chỉ là công bằng và đúng luật… Mình chưa biết sẽ ủng hộ bên nào nhưng mình sẽ đến và đến bằng chiếc vé mua từ đồng tiền “dính mồ hôi” của mình. Xin phép được từ chối nhã nhặn chiếc vé mời VIP có sẵn cho tên mình. Bạn hãy tập làm quen mua vé vào sân để xem nếu trong lòng luôn muốn bóng đá Việt Nam thay đổi và phát triển như các nước khác”. |