Thấy có người lạ vào hỏi thăm, ông Đức thu người lại, trùm chăn kín đầu nằm trên chiếc giường ọp oẹp rồi nói yêu cầu khách chờ "bà nhà tôi về rồi nói chuyện".
Một lúc sau, bà Quy đi gánh nước về. Ngồi trước hiên nhà, bà chậm rãi kể về người chồng “dị nhân” và cuộc sống của gia đình nơi hoang vắng, biệt lập này.
Theo lời bà Quy, ông Đức trước đây vốn sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có, sống ở làng Hương Thủy (nay là phường Bến Thủy, TP Vinh). Trong cuộc cải cách ruộng đất, tài sản của gia đình ông bị tịch thu hết.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đức, bà Quy nằm khuất sau một khóm tre giữa cánh đồng.
Tay trắng, ông Đức cùng người chị gái là Lê Thị Danh dắt díu nhau ra chỏm đất cạnh sông mỏ Hạc (thuộc xóm 8, xã Hưng Lợi ngày nay) dựng lều sinh sống.
Để mưu sinh, ông Đức cùng chị bắt cua, đánh cá... sống qua ngày. Người chị của ông vì thương em trai nên quyết định không lấy chồng mà ở vậy cùng em chăm chỉ khai hoang đất để lấy nơi trồng lúa. Hơn 40 năm khổ cực sống cùng nhau, người chị của ông Đức cũng rời bỏ ông về cõi vĩnh hằng.
Sau ngày chị gái mất, ông Đức sống thui thủi một mình và ông cũng ít khi tiếp xúc với mọi người. Năm 1994, biết hoàn cảnh của ông, bà Quy lúc đó đã 37 tuổi nhận lời về làm vợ. “Ngày tôi về ở chung, thời gian đầu do không quen cuộc sống ở bãi đất này nên có khuyên ông ấy vào làng ở nhưng ông nhất định không chịu. Thế rồi sống riết mãi nơi này làm tôi cũng quen dần. Ba năm sau về ở chung một nhà, tôi cấn thai và sinh ra được cái Sinh. Năm nay nó 18 tuổi rồi đấy”, bà Quy tâm sự.
Do sống tại nơi đồng không mông quạnh, bốn bề là ruộng lúa, không hàng xóm nên gia đình ông Đức nuôi được con gì đều bị kẻ trộm nẫng mất. Thậm chí khi cô con gái vừa tuổi dậy thì đã bị bọn nghiện ma túy kéo nhau vào gạ tình. Lo lắng cho sự an nguy của con gái, bà Quy gửi nhờ người cậu ở xã Hưng Thịnh cho Sinh ăn học đến lớp 10. Hiện cô gái này đang làm nhân viên bán quần áo cho một cửa hàng trên địa bàn TP Vinh.
Chân dung "dị nhân" Lê Trần Đức.
Theo lời ông Đức, trước đây khi còn trai tráng ông cũng có vào làng để tìm vợ nhưng khổ nỗi cô nào cũng chê ông nghèo khó, sống nơi hoang vu nên chẳng ai nhận lời. Cuối cùng, ông ở vậy không nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa cho đến lúc bà Quy về sống chung.
Sống biệt lập vì mất niềm tin với người đời
Tính đến nay, ông Đức đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 60 năm. Do cách khu dân cư, nhà nghèo nên ngôi nhà không điện, không nước. Thay vào đó, thỉnh thoảng bà Quy lên đền ông Hoàng Mười xin những ngọn nến còn thừa về thắp sáng. Nước dùng để nấu ăn thì lên chùa gánh về còn tắm giặt thì dùng nước sông cạnh nhà. Cuộc sống của đôi vợ chồng già này cứ như thế trôi qua, hàng ngày ông Đức thả lưới đánh cá còn bà Quy thì chăm lo 2 sào ruộng của gia đình. Cũng chính vì sống lâu ở nơi hoang vắng như vậy nên giờ đây ông Đức không muốn giao tiếp với người ngoài xã hội.
Ông Trịnh Văn Sĩ, một người sống không xa chia sẻ, gia đình ông Đức sống ở khóm tre này lâu lắm rồi. Bình thường ông ấy chẳng chịu tiếp xúc với ai cả. Mọi sinh hoạt trong căn nhà của ông ấy đều khép kín. "Thậm chí, ông còn ghét người nào đến gần ngôi nhà ấy", ông Sĩ nói.
Do sống ở mô đất gần sông nên mùa mưa ngôi nhà thường trũng nước. Bà Quy cho biết khổ nhất là mùa lũ lụt. Có năm lũ lớn cả nhà phải trèo lên nóc. Mấy ngày trời không tạnh cứ tưởng chết đói, cũng may có người đánh cá đi qua phát hiện nên cho vài gói mỳ tôm, thức ăn sống qua ngày.
Bà Quy trò chuyện với phóng viên.
Nói về nguyên nhân không vào làng làm nhà để an cư lạc nghiệp, bà Quy cho biết vì sống lâu ở vùng đất biệt lập nên ông Đức sợ nơi nhiều người. Thứ nữa là trước đây nhiều người chê ông nghèo nên ông cảm thấy bất mãn với đời, không chịu tiếp xúc với ai ngoài vợ con. Phía gia đình bà Quy cũng cắt cho vợ chồng bà một miếng đất nhưng ông không về ở cùng nên bà cũng đành chịu.
Một chi tiết mà bà Quy tiết lộ đó là ông Đức còn sợ người ta bỏ thuốc độc nên không dám về làng ở và mất niềm tin với bất cứ người lạ nào. Trước đây ông Đức vốn khai hoang được nhiều đất. Sau khi nhà nước lấy đất xây dựng đền bù tiền, ông đem gửi cho một người thân nhưng nào ngờ người này lừa lấy mất. Cộng vào đó, ở mảnh đất này, cứ nuôi được con gì là đều bị trộm lấy mất nên ông xem ai cũng là người xấu.
Mấy năm gần đây, do tuôi cao sức yếu, ông Đức mới chịu cho bà Quy đi xay gạo và nhận sự giúp đỡ của người ngoài khi đau ốm. Tuy nhiên nói về việc vào làng cất nhà để ở thì ông nhất định không chịu và nói ở như thế quen rồi.
Ngôi nhà ông Đức nằm lọt thỏm giữa khóm tre nhìn từ phía ngoài.
Bà Trịnh Thị Vân, xóm trưởng xóm 8 cho biết, ông Quy sống ở địa phương này mấy chục năm nay nhưng không thuộc nhân khẩu của làng. Bình thường ông sợ người lạ. "Đến cả xay lúa lấy gạo ăn ông ấy cũng không chịu vì sợ người ta bỏ thuốc độc để giết cả nhà", bà cho hay. Mỗi năm mùa mưa lũ xong chính quyền lại hỗ trợ gạo xóm đều để dành cho hoàn cảnh này nhưng ông Đức nhất định không lấy. Chỉ vài năm trở lại ông mới chấp nhận gạo hỗ trợ của nhà nước.
Ông Trịnh Quốc Kế, Chủ tịch UBND xã Hưng cũng cho biết, ông Đức không có hộ khẩu ở xã quản lý. Chính quyền nhiều lần xuống tận nơi vận động ông ấy lên làm chứng minh thư, làm hộ khẩu để được hưởng những chính sách phúc lợi xã hội nhưng ông không chịu.