Sau thành công của loạt phim ký sự tài liệu về người Việt ở New Caledonia và CH Vanuatu, một lần nữa công ty BHD và TFS lại cùng rong ruổi đi tìm dấu tích ba vị vua yêu nước.
Nhà Nguyễn, bắt đầu khi vua Gia Long lên ngôi và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị, là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong số 13 đời vua triều Nguyễn nổi lên ba vị vua tuy rất trẻ (Hàm Nghi - 13 tuổi, Thành Thái - 10 tuổi, Duy Tân - 8 tuổi) nhưng đã nuôi dưỡng ý chí chống xâm lăng, dám từ bỏ ngai vàng để dấn thân cứu nước. “Đi tìm dấu tích ba Vua” là một thiên ký sự du khảo về nguồn bằng hình ảnh, tiếp thu tài liêụ của người đi trước, kết hợp với việc tập hợp những thông tin mới nhất nhằm giải mã và tôn vinh tinh thần dân tộc và lòng ái quốc của ba vị vua Hàm Nghi (1871-1943), Thành Thái (1879-1954), Duy Tân (1907-1916).
“Đi tìm dấu tích ba Vua” khám phá về thời gian và không gian quá khứ và hiện tại. Những mảnh đất địa linh nhân kiệt thấm máu cha ông và cả những nơi lưu đày, nơi chôn chặt những nỗi niềm vong quốc ly hương của những vị vua yêu nước.
Phim gồm 60 tập chia làm 2 phần gồm 30 tập quay trong nước và 30 tập ở nước ngoài. Mỗi tập từ 8-10 phút dựng theo kết cấu mở, trải dài và đan xen giữa thời gian và không gian cùng lời tự sự của nhân vật, nhân chứng. Cách kể chuyện của bộ phim với trục hoành là câu chuyện về ba vị vua, dòng dõi và hoạt động, những bi kịch mà họ đã chịu đựng suốt chiều dài của lịch sử cũng như chiều dài suốt cuộc đời họ. Trục tung là những sự kiện, bối cảnh lịch sử đã hình thành nên tính cách con người họ trong quá khứ cũng như những ảnh hưởng đối với người đương thời.
Đây là phim ký sự mở, có sự đóng góp của nhiều người, chủ yếu khai thác tối đa tư liệu và nhân chứng cộng với viêc xử lý kỹ xảo 3D nhằm làm “sống” lại các nhân vật và sự kiện. Nhật ký dựng phim theo đúng chương trình lịch quay và theo mạch chuyện của MC (người dẫn chuyện). Khác với các phim ký sự trước vừa làm vừa phát sóng, “Đi tìm dấu tích ba Vua” được phát “nguội”, làm hoàn chỉnh mới phát nhằm bảo đảm tính chính xác và độ chân thật của những giai đoạn cũng như nhân vật lịch sử.
Đoàn làm phim gồm những nhà văn, nhà thơ, biên kịch, đạo diễn nhiều kinh nghiệm trong việc làm phim ký sự truyền hình như biên kịch Nguyễn Hồ (đạo diễn kịch bản và biên tập), nhà văn Ngô Thảo, nhà thơ Nguyễn Duy (làm MC), đạo diễn Đào Anh Dũng, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn.
Với năm tuần quay trong nước, đoàn làm phim đã đi từ cố đô Huế, nơi hiện đang chôn cất hài cốt của vua Thành Thái và Duy Tân, đến Tân Sở, Quảng Trị - nơi phát hiện ra Hịch Cần Vương, ra Hà Tĩnh tìm căn cứ địa ba năm kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi, vào Nha Trang gặp con trai thứ của vua Duy Tân là Joseph Vĩnh San… Đoàn gặp gỡ các nhà nghiên cứu, giáo sư như Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan, Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân…, tìm các nhân chứng sống như ông Nguyễn Phúc Bảo Hiền (cháu nội vua Thành Thái) ngoài 80 tuổi, hiện đang chăm sóc lăng Dục Đức, bà Nguyễn Phúc Liên Châu và ông Lê Quang Long (cháu nội và cháu ngoại vua Thành Thái). Đoàn cũng tham khảo nhiều tài liệu, tư liệu của những học giả nổi tiếng, các ban liên lạc Phước tộc trong và ngoài nước. Sau khi hoàn tất những cảnh quay trong nước, đoàn làm phim đã mất bốn tuần ở Pháp, đến Trung tâm lưu trữ hải ngoại (CAOM) để tìm kiếm những tư liệu lịch sử mà người Pháp đang lưu trữ về thời kỳ đánh chiếm Đông Dương.
Đoàn cũng đến Bắc Phi, Trung Phi, đến làng Thonac (miền nam nước Pháp), nơi hiện có khu lăng mộ vua Hàm Nghi, đến đảo Réunion (lãnh địa hải ngoại của Pháp), nơi vua Duy Tân đã đoạt giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học và nghệ thuật Réunion với tác phẩm “Những biến tấu của một cây đàn lia vỡ nát”, đây cũng là nơi có đại lộ mang tên vua Duy Tân (đại lộ Vĩnh San).
Đoàn đã làm việc với các nhà sử học, các nhân chứng người Pháp, kiều bào ở Pháp, gặp gỡ con trai trưởng con trai thứ của vua Duy Tân để mang về những thước phim tư liệu quý giá và khách quan nhất về cuộc đời của ba ông vua triều Nguyễn.
Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, thành viên đoàn làm phim, viết nhân sự kiện tro cốt vua Duy Tân được đưa về Việt Nam: “Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…” là một cái nhìn khách quan cũng như sự công nhận của người đời về những “thăng trầm” trong lịch sử chống ngoại xâm của ba vị vua yêu nước. Mặc dù bị giam lỏng ở nước ngoài, nhưng tấm lòng họ luôn hướng về Việt Nam, luôn muốn quay lại để phục dựng một nước Việt Nam vững mạnh trước thảm họa phân chia và đô hộ. Trước lúc tử nạn vua Duy Tân từng nói: “Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương Việt Nam không cho phép tôi để ngỏ cửa cho môt cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân Việt Nam ý thức được rằng họ là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thúc đẩy họ dựng nên một nước Việt Nam xứng đáng là quốc gia…”. Một nỗi niềm đau đáu về cố quốc cũng như những cuộc hành trình đầy gian lao của họ đã để lại trong các thế hệ người Việt Nam trong cũng như ngoài nước sự ngưỡng mộ và tôn kính.
Dẫu còn nhiều đánh giá chưa thật chuẩn xác về nhà Nguyễn trong cuộc chiến chống ngoại xâm, nhưng bên cạnh ông vua nhu nhược như Tự Đức, vua bù nhìn như Khải Định, Bảo Đại thì vẫn có những vị vua một lòng chống Pháp như Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân. Không chịu nhượng bộ quân xâm lược, chấp nhận một cuộc sống lưu đày chứ không chịu làm vua ở một nước nô lệ, ba tên tuổi bất khuất ấy xứng đáng được sử sách ghi công.
Có thể nói, bằng tất cả tấm lòng thương mến và đồng cảm, đoàn làm phim đã vượt qua những khó khăn, trở ngại để giúp người xem hiểu sâu hơn về tấm lòng của người Việt sống xa tổ quốc. Bộ phim là dịp để giải mã và tôn vinh tinh thần dân tộc, tinh thần ái quốc trong suốt thời gian cả dân tộc bị kìm kẹp dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Theo NGUYỄN PHAN (Nhân dân)