Nhà văn Huỳnh Phan Anh vừa qua đời vào 16 giờ 45 ngày 30-8 (giờ địa phương, tức 6 giờ 45 sáng 31-8 giờ Việt Nam) tại nhà ở San Jose, California (Mỹ) ở tuổi 81. Đó là thông tin được con gái nhà văn chia sẻ với giới văn nghệ trong nước thông qua nhà thơ Vũ Trọng Quang.
Nhà văn Huỳnh Phan Anh tên thật là Huỳnh Thanh Tâm sinh ngày 3-3-1940 tại Bình Dương. Ông là cựu giáo sư Triết học và là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng từ trước những năm 1960-1970 tại Sài Gòn.
Ông tốt nghiệp sư phạm tại Đà Lạt rồi vể Sài Gòn dạy triết học. Từ những năm 1960 ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng những tác phẩm phê bình văn học: Văn chương và kinh nghiệm hư vô (Hoàng Đông Phương, 1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp, 1972)…
Nhà văn Huỳnh Phan Anh (trái) chụp cùng nhà thơ Yves Bonnefoy tại Paris năm 1999. Ảnh: Trọng Quang cung cấp
Hai tập tiểu luận phên bình này đã dẫn lối để Huỳnh Phan Anh trở thành cây bút phê bình hàng đầu của giới văn nghệ Sài Gòn những năm 60-70 của thế kỷ trước.
Giai đoạn 1965-1975 cũng là giai đoạn văn học miền Nam với trung tâm là Sài Gòn phát triển mạnh mẽ với nhiều trào lưu, dòng văn học. Huỳnh Phan Anh khi đó chưa đến 30 tuổi, ông cùng các tên tuổi nhà văn, nhà phê bình: Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Phùng Quân tập hợp thành nhóm Đêm Trắng.
Các thành viên Đêm Trắng hầu hết cũng là nhà giáo, nhà văn với khuynh hướng hiện sinh nên các bình luận, phê bình của nhóm hầu hết đều theo chủ nghĩa hiện sinh.
Cùng với Đêm Trắng, tên tuổi Huỳnh Phan Anh còn xuất hiện nhiều trên các tạp chí, tuần báo văn học nổi bật của miền Nam: Văn, Văn học, Vấn đề, Khởi hành...
Tuy nhiên, lãnh địa Huỳnh Phan Anh để lại rất nhiều dấu ấn chính là các tác phẩm dịch thuật mà đến ngày nay khó có bản dịch nào vượt qua được.
Các tác phẩm dịch thuật văn học triết nổi bật: Thế giới của Sophie (J. Gaarder), Tình yêu và tuổi trẻ (Valery Larbau), Tình yêu và lý tưởng (Thomas Man), Tình yêu bên vực thẳm (E. M. Remarque), Chuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway), Lạc lối về (Heinrich Boll), Chuyến viễn hành trong đêm (Heinrich Boll), Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật), Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe), Hò hẹn trên đồi (Anne Philipe), Citadelle (Saint Exupéry), Aldolphe (Benjamin Constant)…
Sau năm 1975, dịch giả Huỳnh Phan Anh vẫn sống tại Sài Gòn, một số tác phẩm của ông vẫn xuất hiện với độc giả trong nước. Nổi bật trong đó là tập tiểu luận phê bình Không gian và khoảnh khắc văn chương.
Từ năm 2002, ông sang Mỹ và định cư tại San Jose (Mỹ) cùng gia đình. Sự ra đi của Huỳnh Phan Anh dẫu đi định cư hay một cuộc đi xa hơn như lần này thì đó cũng là sự nhắc nhớ về một thời kỳ văn học rực rỡ của Sài Gòn. Và nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh vẫn sẽ ở đó như bao năm qua, với những tác phẩm giá trị mà ông mang đến cho độc giả.