Sáng 24-4, tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đã tổ chức hội nghị-hội thảo trực tuyến phổ biến nội dung và góp ý dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, cho biết mỗi năm Hội đồng Duyệt phim Quốc gia duyệt khoảng 100 phim ngoại, trong khi phim nội chỉ trên dưới 10 phim. “Con số đó cho thấy điện ảnh Việt đang thua ngay trên chính sân nhà. Chúng ta tăng cường làm sao để ngoài việc nhập phim thì phải tổ chức nhiều tuần lễ phim Việt Nam tại nước ngoài để các nước biết Việt Nam vẫn có nền điện ảnh chứ không phải Việt Nam chỉ có chiến tranh” - bà Hồng Ngát chia sẻ.
Bộ phim Nước - 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) dù được chọn chiếu khai mạc hạng mục Panorama (toàn cảnh) tại LHP Berlin tháng 2 vừa qua nhưng chưa chắc đã trụ được rạp trong nước. Ảnh: SAIGON MEDIA
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị, nhà sản xuất Phước Sang cũng nêu tầm quan trọng của việc lấy lại thị trường điện ảnh trong nước. “Quy hoạch của Cục lần này vẫn loay hoay với sản xuất, đào tạo nhưng điều quan trọng của đời sống điện ảnh Việt Nam là phải có thị trường. Chúng ta đã không phân tích được thị trường điện ảnh trong nước hiện đang ở đâu, sắp tới cần làm gì để điện ảnh sống. Chúng ta cứ ngồi đây nói mà quên mặt trận ngoài kia, các nhà phát hành nước ngoài như CGV, Lotte… đang tung hoành” - nhà sản xuất Phước Sang băn khoăn.
Theo ông Phước Sang, đến năm 2030 hai hệ thống CGV và Lotte mỗi đơn vị không chỉ có 80 phòng chiếu nữa mà con số sẽ tăng lên hàng trăm phòng chiếu. “Thực tế, phải có thị trường mới có đời sống điện ảnh. Có đời sống điện ảnh mới có những phim tốt phù hợp thị trường. Lúc đó không cần phải dạy làm phim, dạy sản xuất phim, tự các nhà sản xuất phim sẽ biết làm gì” - ông Phước Sang cho biết.
Bên cạnh đó, làm sao để những phim tuyên truyền, phim nghệ thuật… đến được với khán giả cũng là điều Nhà nước cần chung tay.
Hiện nay trước khi chọn chiếu một bộ phim, nhà phát hành luôn khảo sát thị trường, khán giả, chủ rạp… xem có đồng ý nhận phim về chiếu hay không. Sau khi đánh giá xong, nếu bộ phim thuộc dạng không hút khách thì phim ấy sẽ không chiếu đại trà và phải chấp nhận tình trạng nếu hai ngày đầu số lượng vé bán ít, phim sẽ bị loại khỏi rạp.
Bà Thế Thanh cho biết cái cần nhất của quy hoạch điện ảnh lần này là chiến lược để đưa được những phim tuyên truyền, phim nghệ thuật… ra rạp. Bà Thế Thanh gợi ý: “Hiện chúng ta không có loại rạp để chiếu những phim như thế. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, họ có loại rạp để chiếu các loại phim tuyên truyền, phim nghệ thuật… Họ quy định một số rạp phải chiếu những phim đó trên thị trường điện ảnh. Làm được như vậy mới tránh việc nhường thị trường điện ảnh trong nước cho phim nước ngoài”.
Ông Phước Sang còn gợi ý rằng dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục Điện ảnh hoàn toàn có khả năng đưa ra một văn bản dưới luật, quy định những cụm rạp như CGV hay Lotte phải có phòng chiếu phim Việt. Có vậy mới bảo hộ được điện ảnh trong nước để điện ảnh lấy lại được thị trường.
QUỲNH TRANG