Định nghĩa về “nhóm lợi ích”

Cụ thể, Thủ tướng nói: “Nhóm lợi ích có thể hiểu là nhóm người có chức quyền câu kết với nhau nhằm trục lợi cá nhân, điều này là trái với luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân”; đồng thời bày tỏ quan điểm của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những “nhóm lợi ích” như thế ra khỏi đời sống xã hội.

Còn nhớ trong bài “Thông điệp đầu năm 2012” của Thủ tướng cũng đã xác nhận về nguyên tắc “nhóm lợi ích” có thể tác động vào chính sách. Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, Thủ tướng cũng phát ngôn rằng kiên quyết xử lý các “nhóm lợi ích” thâu tóm ngân hàng. Trả lời chất vấn tại QH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng xác nhận có những “nhóm lợi ích” tìm mọi cách xâu xé các khoản lợi nhuận từ hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngoại hối…

Như vậy lĩnh vực, mức độ, quyết tâm và mới nhất là khái niệm về một hình thức vụ lợi riêng (cho một nhóm) đã được xác định một cách rõ ràng. Đây là những cơ sở rất quan trọng để nhận diện về một loại hành vi vốn được phân luồng trắng-đen một cách rõ ràng ở các nước phát triển: Nếu bất hợp pháp xử lý rất kiên quyết, nếu hợp pháp thì cho công khai tác động chính sách, nhưng ở Việt Nam điều này còn rất mới mẻ và được người dân gọi chung là “tham nhũng chính sách”!

Hiện tại, theo quy định của pháp luật Việt Nam (tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Từ điển Tiếng Việt thì dân dã hơn, định nghĩa tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của.

Do vậy, hành vi quan chức “câu kết với nhau” thì dễ thấy nhưng để “trục lợi”, “vụ lợi” thì lại khó nhìn. Trên thực tế thì chuyện doanh nghiệp (là một nhóm lợi ích) quan hệ với quan chức chính quyền để có được ưu đãi về mặt bằng đất đai, về chính sách… nhằm thu lợi là có thật và gây bức xúc cho những người khác và ai cũng hiểu những “ưu đãi” ấy hiếm khi là miễn phí.

Vì thế điều người dân mong muốn là những “nhóm lợi ích” mà Thủ tướng đã thay mặt tuyên bố là “kiên quyết loại bỏ” ấy sẽ được cụ thể hóa ở từng lĩnh vực với án phạt rõ ràng.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới