Nếu lứa U-19 hiện nay là nỗ lực và kinh phí của bầu Đức đổ vào rất nhiều thì các quốc gia trong khu vực lại cải tổ bằng chiến lược của LĐBĐ quốc gia và của chính phủ trong việc xây dựng và phát triển bóng đá trẻ. Cứ xem cái cách Myanmar đang đi và đang xây nền tảng bóng đá trẻ thì sẽ thấy. Lứa cầu thủ U-19 từng thắng U-19 Việt Nam trong trận chung kết U-22 Đông Nam Á tại Brunei (sau đó thua lại ở bán kết Cup NutiFood) đi sau lứa “gà nòi” của bầu Đức hai năm nhưng đấy là cuộc vận động và chiến lược bóng đá của Myanmar chứ không phải của cá nhân ông tỉ phú Zaw Zaw rất có uy tín trong bóng đá khu vực. Ba học viện mà Myanmar xây dựng và phát triển bóng đá không thuộc cá nhân ai cả mà là sự kết hợp giữa chính phủ Myanmar với các doanh nghiệp được sự tư vấn qua lộ trình của LĐBĐ Myanmar. Nó khác rất xa so với một học viện phát hiện và phát triển nhân tài rồi bổ sung thêm nhiều cầu thủ biết đá phòng ngự để hình thành một đội tuyển U-19.
Hoặc Thái Lan từng đi trước bằng việc chính phủ Thái Lan kết hợp với Arsenal JMG đào tạo cầu thủ nhưng sau bốn năm thì LĐBĐ Thái Lan tư vấn ngược lại cho chính phủ về việc không đi theo hướng đi đấy nữa vì cho rằng không khả thi trong việc tạo ra một đội tuyển mạnh vì phần hạn chế là chỉ tạo ra những tiền vệ giỏi và những tiền đạo xuất sắc. Sau đó thì LĐBĐ Thái Lan chọn cách làm phát triển đồng bộ với nền tảng trẻ và đội bóng này hôm qua đã dừng cuộc chơi ở tứ kết U-19 châu Á.
Chưa vội khẳng định đúng, sai, mạnh, yếu nhưng rõ ràng với bàn tay của chính phủ và LĐBĐ quốc gia cùng tham gia vào thì phần chủ động của một đội tuyển ở cấp quốc gia bao giờ cũng lớn hơn và dễ phát huy hơn.
NGUYỄN NGUYÊN