Đội tuyển quốc gia Việt Nam vừa thua Thái Lan 0-1 ở vòng loại World Cup 2018 cũng đặt trọng tâm phòng ngự với những cầu thủ lực sĩ chơi giữa sân và lối chơi rắn bị trả giá bằng thẻ đỏ của Minh Châu cùng một bàn thua. Cách đá này của ông Miura cũng đem áp dụng cho tuyển U-23 và điều này lý giải một phần sau bốn trận giao hữu, các chân sút rất khan hiếm bàn thắng.
Điểm nổi bật của lối chơi phòng ngự phản công ở các đội tuyển chính là sự mạnh mẽ khi tranh chấp và phá thế trận ngay từ phần sân của đối thủ. Nó buộc ông Miura phải rèn cho các học trò sức mạnh như những lực sĩ sẵn sàng vào bóng theo kiểu cảm tử. Tranh cãi cũng xuất phát từ ranh giới giữa tính quyết liệt, không khoan nhượng với sự thô bạo mà nhiều cầu thủ đang bị nhầm lẫn.
Buổi tập của thầy trò HLV Miura trên đất Singapore. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ở đội tuyển U-23 Việt Nam sau bốn trận giao hữu trước thềm SEA Games, có thể thấy rõ ông Miura sắp đặt nhân sự luôn ưu tiên cho sự vững chắc ngay từ phần sân đối phương. Đấy cũng chính là lý do ông chọn nhiều cầu thủ cơ bắp bảo đảm đủ sức khỏe phòng ngự từ xa hơn là giàu kỹ thuật mà thiếu kỹ năng tranh chấp. Thế nên các tiền vệ của HA Gia Lai năm ngoái là trụ cột của U-19 Việt Nam như Xuân Trường hay Tuấn Anh chấn thương không làm ông Miura lo lắng và nuối tiếc như trường hợp của Hoàng Thịnh không may bị gãy xương sườn với cách đá dùng nhiều sức.
Chính vì quá lo lắng về điểm yếu phòng ngự nên ông Miura luôn sử dụng hai tiền vệ khỏe như Hữu Dũng, Huy Hùng với tư tưởng thủ chặt hơn là tận dụng sự sáng tạo trong tấn công. Tương tự, cặp hậu vệ giữa Ngọc Hải, Ngọc Thịnh (Tiến Dũng) và hai biên của Mạnh Hùng, Minh Tùng (Thanh Hiền) đều xuất thân là trung vệ luôn có thiên hướng khóa chặt cầu môn nhà.
Ngay cả các tiền đạo như Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Quân,… buộc phải thay đổi thói quen ở CLB thường chờ được cung cấp bóng thì bây giờ phải là tay săn bóng.
Có một điều nguy hiểm từ trận hòa U-23 Hàn Quốc 0-0 hay thua tuyển quốc gia 0-3, nhiều cầu thủ U-23 chơi mạnh bạo quá mức đã dẫn đến những chấn thương đáng tiếc. Đến trận hòa 2-2 đội bị đánh giá yếu hơn U-23 Myanmar, các học trò của ông Miura cũng khó thiết lập một thế trận tấn công đánh nhanh thắng nhanh (như U-23 Thái Lan vừa thắng 4-0) bởi tư duy phòng ngự. Nó giống như trận hòa không bàn thắng với đối thủ giàu kinh nghiệm Hải Phòng, tuyển U-23 khó thua mà cũng khó thắng.
Sau bốn trận giao hữu, có thể các đối thủ không dễ qua mặt U-23 Việt Nam bởi lối chơi phòng ngự chắc chắn nhưng ngược lại, học trò ông Miura cũng dễ đói bàn thắng vì thiếu tính đột biến ở hàng công.
Chạy đua bàn thắng Tại SEA Games 28, thầy trò Miura sẽ gặp khó chỉ trong hai trận gặp U-23 Malaysia và U-23 Thái Lan, còn lại U-23 Brunei, Đông Timor, Lào đều chưa phải là đối thủ xứng tầm. Chính vì ba đội mạnh nhất cạnh tranh hai suất vào bán kết, nhiều khả năng họ phải chạy đua bàn thắng với nhau đặt trường hợp các cuộc đối đầu có tỉ số hòa. Đây là một điều đáng lo của ông Miura sau 360 phút đá giao hữu, mới chỉ có hai tiền đạo Công Phượng và Thanh Bình mỗi người ghi một bàn. Hiệu suất săn bàn của U-23 Việt Nam không cao và trong vài ngày tới, ông Miura bắt buộc phải cải thiện để không phải hối tiếc là người đến sau chỉ vì thua hiệu số bàn thắng. |