Ông Miura chê mặt sân Trung tâm Đào tạo trẻ VFF như mặt sân ruộng nên đã cho học trò tập luyện ở Trung tâm Viettel cách nơi đóng quân gần 30 km. Đấy cũng chỉ là một cái cớ hợp lý hơn nguyên nhân sâu xa ông Miura không muốn các tuyển thủ bị phân tâm bởi báo giới lẫn người hâm mộ.
Cái khó ló cái khôn
Đơn giản hai trận sắp tới tiếp Iraq và Thái Lan có tính quyết định đến một suất vào vòng chung kết Asian Cup 2019 lẫn giúp ông Miura củng cố lòng tin với dư luận. Trận nào ông thầy người Nhật cũng mong có điểm nhưng sẽ rất khó bởi ngay từ đầu ông đã đặt Iraq lên kèo trên và trận lượt đi từng thua Thái Lan 0-1.
Chưa thấy lúc nào ông Miura gặp khó như lần này, ngoài sự kỳ vọng lẫn sức ép từ người yêu bóng đá còn là những lý do khách quan ngoài chuyên môn. Ví như 10 cầu thủ hay nhất của hai đội vô địch V-League B. Bình Dương và á quân Hà Nội T&T đều xin tập trung trễ hai ngày vì mới đá chung kết Cúp Quốc gia. Đã thế, một số cầu thủ gặp chấn thương buộc ông Miura phải cho bổ sung gấp Công Phượng, Ngọc Thắng và thủ môn Hoài Anh.
Đưa các học trò đi tập xa và tập đêm nhưng HLV Miura vẫn bị “săn lùng”. Ảnh: QUANG THẮNG
Dù điểm tập rất xa Hà Nội nhưng người hâm mộ vẫn theo và “coi cọp” các buổi tập của đội tuyển. Ảnh: QUANG THẮNG
Quỹ thời gian cho ông Miura quá ngắn (chỉ 10 ngày) nên việc giúp học trò hồi phục sau một mùa giải mệt nhọc và lắp ráp kỹ, chiến thuật khi quân số thiếu hụt chắc hẳn khiến ông mệt mỏi hơn.
Khó khăn cho ông Miura còn là việc không thể tìm quân xanh có chất lượng, sau khi Philippines hủy trận giao hữu duy nhất càng làm cho đội tuyển bối rối. Việc triệu tập đến 28 cầu thủ đủ cho hai đội hình thay thế nhau chỉ là một giải pháp tình thế vì ông Miura không còn cách nào khác.
Hy vọng trong cái khó, ông Miura sẽ ló cái khôn để cứu vãn một đội tuyển quốc gia đang suy giảm niềm tin từ giới hâm mộ.
Ai giúp ông Miura đi do thám đối thủ?
Trước khi sang Việt Nam đá vòng loại World Cup thì tuyển Thái Lan sẽ có trận giao hữu với Hong Kong vào ngày 9-10 tại sân Rajamangala. Các nhà cầm quân, kể cả HLV Miura rất thường hay muốn xem đối thủ thể hiện ra sao bằng việc bay sang do thám. Câu chuyện “do thám” đối phương với nhiều HLV là điều không thể thiếu để qua đó bày ra cách “đánh úp” đối phương…
Năm 2002 là năm mà đội tuyển Trung Quốc lần đầu tiên có mặt ở vòng chung kết World Cup do huyền thoại Bora Milutinovic dẫn dắt. Có ai biết rằng ngoài sự chuẩn bị chu đáo thì ngay từ những trận đầu, vị HLV năm lần đưa năm đội tuyển khác nhau có mặt ở vòng chung kết World Cup này đã xuôi ngược, “xẻ dọc” châu Á có mặt khắp nơi để xem giò cẳng các đối thủ của tuyển Trung Quốc, để rồi sau đó ông có những kế sách đúng đắn đưa bóng đá Trung Quốc có mặt ở World Cup. Lúc ấy bóng đá Trung Quốc có những tên tuổi đá ở Anh nhưng cũng chỉ một nền bóng đá trung bình khác châu Á mà thôi… Thế nhưng nhờ những lần miệt mài đi do thám đối phương mà HLV Bora Milutinovic đã giúp đội tuyển Trung Quốc lần đầu có mặt tại World Cup.
Các cựu HLV tuyển Việt Nam như Riedl, Calisto, Falko Goetze cũng thường hay do thám đối phương. Nay trước thềm tiếp tuyển Thái Lan, đội này có trận giao hữu với tuyển Hong Kong đêm 9-10, không biết nhà cầm quân người Nhật của tuyển Việt Nam có… do thám hay không?
Trong lúc ông Miura cứ phải lo xa thì có ai giúp ông đi do thám đối thủ để tìm kế sách “đánh úp” đối thủ hay không?