Đông đảo người dân 'bắt trend' xe điện

Mở 'đại lộ' phát triển phương tiện giao thông xanh - Bài 1

Đông đảo người dân 'bắt trend' xe điện

(PLO)- Xu hướng sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe máy điện, ô tô điện của người dân ngày càng tăng.

LTS: Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đã đưa ra những chính sách phát triển cho phương tiện xanh. HĐND TP.HCM cũng ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy, Việt Nam sẽ huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

P9_bai1-thynhung-quanghuy_xe-xanh-h1.jpg
Taxi xanh tràn ngập trên các cung đường giao thông. Ảnh: HUY NHUNG

Nếu như những năm trước đây, xe điện được sử dụng ở Việt Nam (VN) chủ yếu là xe đạp thì khoảng ba năm trở lại đây, xe máy điện, ô tô điện hiện hữu ngày càng nhiều ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM nhờ tính tiện ích, kinh tế và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nhu cầu của người dân với xe điện ngày càng tăng lên khi có sự đầu tư từ các doanh nghiệp nội địa, đa dạng mẫu xe từ xe máy điện đến ô tô điện.

P9_bai1-thynhung-quanghuy_xe-xanh-h2.jpg
Nhiều hãng xe máy điện ra mắt người dân. Ảnh: HUY NHUNG

Xu hướng di chuyển xe xanh

Anh Quang Sang (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ xe máy điện thương hiệu Việt mà anh sử dụng từ năm 2019 đến nay vẫn bền và tiết kiệm khiến anh rất hài lòng. Năm ngoái, anh Sang đã bán xe máy xăng để mua thêm một xe máy điện cho con trai vào đại học.

Theo anh Sang, xe máy điện cho phép di chuyển với quãng đường lên tới hơn 200 km/lần sạc. Xe còn đáp ứng tiêu chuẩn chống nước và bụi, cho phép xe lội nước sâu tới 500 mm liên tục trong 30 phút giúp người dùng an tâm di chuyển, nhất là ở TP.HCM vào mùa mưa thường ngập ở nhiều tuyến đường.

So sánh chi phí về nguyên liệu, anh Sang cho biết xe máy điện sẽ giúp người dùng tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Cụ thể, để sạc đầy bình, mỗi lần sạc chỉ tốn khoảng 7.000 đồng tiền điện và đi được đoạn đường gần 200 km. Trong khi xe máy xăng loại xe tay ga để đổ đầy bình xăng 4,4 lít mất khoảng 100.000 đồng, cũng đi được quãng đường khoảng 200 km. Nếu di chuyển nhiều, người dùng có thể thuê pin theo tháng và chỉ tốn vài trăm ngàn đồng.

“Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp ô tô trong nước đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng của thị trường xe điện Việt Nam”.

TS Lê Bá Chí Nhân

“Lúc đầu tôi có sự đấu tranh tâm lý, lo ngại khi sử dụng xe điện nhưng đi vài năm trải nghiệm thì thấy xe chạy rất tốt, chắc chắn, chưa phải sửa gì, pin vẫn giữ hiệu năng ổn định, tiết kiệm khoản chi phí lớn cho gia đình. Quan trọng là đi xe điện góp phần giữ gìn môi trường sống chung” - anh Sang chia sẻ.

xe-dien-VN1.JPG
Thị trường xe điện Việt Nam đang rất sôi động, chứng kiến sự cạnh tranh giữa các mẫu xe điện ngoại nhập và thương hiệu trong nước. Ảnh: QUANG HUY

Anh Duy Minh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh mới bán ô tô xăng của gia đình để mua ô tô điện. Anh Minh tính thử hai mẫu ô tô xăng và ô tô điện cùng phân khúc thì xe với động cơ xăng 1,5-1,8 lít có mức tiêu hao nhiên liệu trung bình là 7-8 lít/100 km. Như vậy, trung bình mỗi tháng xe chạy khoảng 2.000 km, tính theo giá xăng loại cao nhất hiện nay thì tốn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mẫu ô tô điện phân khúc tương ứng chỉ tốn khoảng 1,8 triệu đồng cho gói cước thuê pin cố định và khoảng 800.000 đồng vào việc sạc điện.

Như vậy, tổng chi phí của ô tô điện khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, tiết kiệm hơn ô tô xăng khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. “Quan trọng là xe điện giúp bảo vệ môi trường, nhất là khi các đô thị lớn tại VN đang rất ô nhiễm khói bụi. Xe điện không có mùi giúp người thân của tôi thoải mái hơn” - anh Minh nói.

Không chỉ xe cá nhân, người dân đang thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng xanh khi di chuyển. Gia đình chị Ánh Tuyết (ngụ quận 12, TP.HCM) cuối tuần thường vào trung tâm TP vui chơi, mua sắm đã quyết định đặt taxi điện thay vì đặt xe chạy xăng như lâu nay. “Taxi điện xe chạy êm, không có mùi, nhân viên lịch sự và thân thiện. Tôi sợ nhất là mùi xăng, mùi khói khi đi ô tô, giờ đi xe điện thấy thoải mái, dễ chịu” - chị Tuyết đánh giá.

P9_bai1-thynhung-quanghuy_xe-xanh-h3.jpg
Trạm sạc pin xe điện tại một trung tâm thương mại. Ảnh: QUỲNH ANH

Thị trường tiềm năng

Anh Nguyễn Khắc Trung (chủ đơn vị Khắc Trung Auto), chủ sở hữu một ô tô điện từ tháng 10-2022 đến nay, chia sẻ đã dần quen với cảm giác lái và dự phòng được lượng pin xe điện. “Tôi cũng sử dụng xe điện để đi các tuyến đường dài như Nha Trang, Đà Lạt. Hiện nay, các trạm sạc đã phủ sóng khá nhiều và trong thời gian tới sẽ có nhiều trạm hơn nữa” - anh Trung cho hay.

Theo anh Trung, việc dùng xe điện đã giúp tiết kiệm chi phí và thay đổi thói quen, cảm giác lái xe. Người dùng chỉ mất khoảng 1-2 tuần đầu sử dụng để tính toán và canh vị trí để sạc pin. Nếu hôm sau cần di chuyển với khoảng cách dài thì chỉ cần sạc đầy pin trong một đêm. “Hiện nay, lượng người dùng xe điện cũng khá nhiều. Để bỏ xe xăng ngay thì có thể chưa nhưng dần dần tạo thói quen cho người dân thì có thể phủ sóng xe xanh như các nước trên thế giới” - anh Trung nói.

tram-xac-xe-xanh.JPG
Một trạm sạc xe điện đặt ngay mặt tiền trung tâm thương mại tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, VN hứa hẹn trở thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, VN có tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn như điện gió, điện mặt trời là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa. Đặc biệt, VN đang có những doanh nghiệp “nội” sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này và được coi là cơ hội thuận lợi để phát triển ngành ô tô điện.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong ba năm kể từ ngày 1-3-2022; trong hai năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1%-3%, có hiệu lực đến hết tháng 2-2027.

“Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp ô tô trong nước đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng của thị trường xe điện VN” - TS Nhân nói.•

Kỳ tới: Cơ hội vàng để phủ sóng xe xanh cho giao thông Việt Nam

78% người tiêu dùng Việt muốn đi xe điện

Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã tiến hành khảo sát về nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông điện theo đặt hàng của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Theo đó, hội đã tiến hành khảo sát tại 5 TP là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và 3 địa phương tiềm năng như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên.

bus-dien.jpg
Một xe buýt điện tại TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cụ thể, khảo sát gần 1.300 đối tượng gồm 785 người tiêu dùng (NTD) đã sử dụng phương tiện giao thông điện và 498 NTD tiềm năng là những người chưa sử dụng phương tiện giao thông điện nhưng có nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông điện. Theo kết quả khảo sát, mức độ sử dụng các loại phương tiện giao thông điện hiện nay nhiều nhất là xe máy điện (33%), xe đạp điện (27%) và ô tô điện (2%). Các phương tiện giao thông điện mới được sử dụng phổ biến trong ba năm trở lại đây, chiếm tỉ lệ 79%.

78% NTD chưa sử dụng phương tiện giao thông điện cho biết mong muốn sử dụng phương tiện giao thông điện trong tương lai gần. Trong số này có đến 38% NTD tiềm năng có nhu cầu mua ô tô điện, trong khi nhu cầu mua xe đạp điện gia tăng không nhiều, chỉ 7%.

Ông HOÀNG ĐÌNH TRỌNG, chuyên gia Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao

Đọc thêm