Sau khi số lượng đội tham dự World Cup 2022 được công bố, rất nhiều tiếc nuối cho khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam vì cơ hội gần như bị đóng lại.
Thực tế thì thời điểm này Đông Nam Á chưa nên nghĩ đến World Cup vì đó là sân chơi lớn, cần những mục tiêu phấn đấu với những lộ trình dài hơi và có bài bản. Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải hoãn sự hưng phấn quá độ của mình lại sau những thành công ở giải trẻ cấp châu lục. Hay như bóng đá Việt Nam sau khi lên đỉnh Đông Nam Á nên xây dựng hẳn lộ trình cho những World Cup sau. Chẳng hạn với World Cup 2026 thì nhắm đến thế hệ cầu thủ nào hoặc xa hơn là World Cup 2030 thì cần phải định dạng đã có gì trong tay, hay còn gọi là nền tảng để đầu tư và nâng chất.
Bóng đá Thái Lan khi ngạo mạn phong cho mình là “King of ASEAN” thì đã nghĩ đến suất World Cup và đầu tư mạnh mẽ cho đội tuyển của họ. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi châu Á và có những trận thua muối mặt thì bóng đá Thái Lan đã hiểu được muốn chơi World Cup thì phải quên đi thế hệ hiện tại mà tính chuyện đầu tư thật xa cho tương lai.
Với Đông Nam Á, muốn tính một suất cho World Cup thực tế không hề khó. Đó là 4,5 suất khi vòng chung kết World Cup có 32 đội và đến năm 2026 khi có 48 đội thì số đội dự vòng chung kết của châu Á là tám.
Đó là những con số có thể tính được sau khi đặt các đối thủ lớn của châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Iran lên chiếu trên rồi phân loại những đối thủ có thể cạnh tranh cho những suất còn lại.
Nếu cứ say sưa với những thành công hiện tại mà tính toán theo kiểu với những gì có được hiện nay để chuẩn bị cho World Cup 2022 hay 2026 thì rõ ràng đó là một thất bại.
Nên nhớ cách đây chín năm, tức năm 2010 thì người Đức đã tính đến thế hệ cầu thủ chuẩn bị cho World Cup 2030 bằng cả một chương trình cho thế hệ cầu thủ ở độ tuổi 6-7 với cả một công trình nghiên cứu khoa học kết hợp chính sách của quốc gia.