Sự kiện phim Lấy chồng người ta trắng tay tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Toronto đã được thấy trước. Dù vậy, phim này tiếp tục dự LHP Quốc tế Vancouver diễn ra từ ngày 27-9 đến 12-10 tới.
Dự LHP để chứng tỏ… quan hệ tốt
Dễ thấy là hãng BHD gửi Lấy chồng người ta dự LHP phim Toronto nhằm lấy tiếng vang trước đợt công chiếu trong nước như đã từng làm với phim Hot boy nổi loạn vào năm ngoái. Đạo diễn Lưu Huỳnh cho biết: “Thẳng thắn mà nói, với mục tiêu đạt doanh thu phòng vé, nội dung của Lấy chồng người ta có tính thương mại nhiều hơn là nghệ thuật. Tôi đoán lý do mà các nhà tuyển phim Liên hoan Toronto chọn phim này có lẽ vì nó thể hiện ngôn ngữ quốc tế, nếu như khán giả nước ngoài không hiểu được tiếng Việt thì xem tạm như phim câm cũng có thể cảm được”.
Có thể thấy hành trình “đem chuông đi đánh xứ người” của Lấy chồng người ta tương tự như Hot boy nổi loạn: Thông tin rầm rộ về việc dự lần lượt LHP Quốc tế Toronto, tiếp đó là LHP Vancouver và sau đó là LHP Quốc tế Berlin khiến khán giả quê nhà khấp khởi hy vọng rồi mừng hụt. Việc gửi phim Việt dự các LHP nêu trên chỉ chứng tỏ một điều: Hãng BHD có quan hệ tốt với đối tác nước ngoài và cũng tương đối bài bản trong việc tiếp thị phim nội ra thị trường quốc tế. Tuy vậy, hãng này hẳn đã biết trước kết quả khi đem đi một “cái chuông” có nội dung khá cũ kỹ, tạo ấn tượng với khán giả nhờ những màn đánh lộn, đánh ghen và tranh giành đứa con của ba nhân vật như Lấy chồng người ta.
Những màn đánh ghen nghiệt ngã trong phim Lấy chồng người ta như thế này liệu sẽ đem đến ấn tượng gì với khán giả thế giới? Ảnh: BN
Trăn trở về thực trạng phim Việt Nam thất thế khi ra biển lớn, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: “Tôi thấy xã hội Việt Nam có nhiều chất liệu có thể nói hay trong điện ảnh nhưng cách làm phim của mình chưa động đến được cái sâu xa trong xã hội. Thông thường, chỉ phim độc lập mới có thể đem chiếu ở các LHP nước ngoài vì phim có tiếng nói cá nhân, sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi chạnh lòng khi đi nhiều nước thấy người ta rất ít biết đến điện ảnh Việt Nam, nếu có chỉ biết phim của đạo diễn Trần Anh Hùng”.
Chưa bắt được xu hướng phim thế giới
Bộ VH-TT&DL vừa thành lập hội đồng tuyển chọn phim tham dự giải Oscar 2013 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Theo quy chế hiện hành, phim được lựa chọn tranh giải tại Oscar phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện; ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và sử dụng lời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt.
Trong tình hình điện ảnh Việt năm 2012 chỉ quanh quẩn phim hài nhảm như Nàng men, chàng bóng; Hello cô Ba hoặc khai thác hậu trường nghệ sĩ như phim Scandal, liệu Lấy chồng người ta hay Thiên mệnh anh hùng sẽ được chọn đến Oscar vì đỡ tệ hơn so với những phim còn lại?
Ngay cả các phim Việt từng chính thức được cử tham dự Oscar những năm trước như Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long từng bị dư luận đánh giá là “kém sắc” hơn hẳn những phim ra rạp cùng năm. Và việc thất bại của những phim này cũng là điều đương nhiên khi hội đồng tuyển chọn phim Việt dự giải Oscar chưa nắm bắt được gu, xu hướng chọn phim của ban giám khảo giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này.
Như vậy, 18 năm sau khi bộ phim có yếu tố Việt - Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử chính thức hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, điện ảnh Việt bây giờ vẫn hoài vọng vào những mùa sau, dù năm nào cũng có phim gắn mác “tham dự LHP quốc tế”.
Cần cảm thụ tinh tế về nguồn cội của mình Các phim của tôi được vinh danh tại các LHP quốc tế thực ra không phải phản ánh Việt Nam, mà là phản ánh tâm tư và tình cảm trong lòng tôi. Điều quan trọng khi làm phim không phải là cố gắng thể hiện hình ảnh đất nước hay tinh thần dân tộc một cách khiên cưỡng mà là cảm thụ tinh tế của đạo diễn về nguồn cội của mình. |
NGÔ BEN