Điều quan trọng nhất khi tiến hành tham vấn nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là phải làm cho thực chất và mang lại hiệu quả. Phải làm sao để đây là cơ hội tạo ra cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, huy động, đúc kết được trí tuệ của toàn dân vào bản Hiến pháp; tương xứng với vị trí đặc biệt của nó.
Đó là những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất tại Hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992”, do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) tổ chức ngày 10 và 11-9, tại TP.HCM.
Làm thực mới có kết quả thực
Muốn thực hiện được điều đó, theo ý kiến của nhiều đại biểu, trước hết cần phải đổi mới nhận thức về việc lấy ý kiến nhân dân, xóa bỏ cách nghĩ xem đây như một thủ tục mang tính hình thức. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của QH, nhấn mạnh: “Đừng xem việc lấy ý kiến nhân dân là làm cho QH, hay xem trình độ của dân chưa cao nên không lưu ý đến ý kiến của họ”.
GS Đường cũng lưu ý: “Nếu chúng ta tiến hành việc lấy ý kiến nhân dân một cách hình thức thì nhận lại kết quả hình thức. Làm thực chất thì mang lại kết quả thực chất. Cho nên phải đề cao một cách thực sự quyền, vai trò làm chủ của người dân qua hoạt động tham vấn cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này”.
Trong giờ giải lao của hội thảo, GS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của QH, trao đổi với ông Nick Booth, cố vấn chính sách pháp quyền và tiếp cận công lý của UNDP tại Việt Nam. Ảnh: MC
Tiếp thu và giải trình công khai với dân
Để tạo ra không khí thực chất ấy, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của nhân dân và hiện thực hóa những đóng góp có giá trị thuyết phục vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Với những ý kiến không tiếp thu, phải có cách ứng xử thể hiện sự trọng thị đối với nhân dân. Phải chú trọng công tác phản hồi, giải trình với nhân dân về kết quả tham vấn, công khai những phản hồi, giải trình đó, để dân thấy rằng sự đóng góp của mình không rơi vào im lặng. “Điều quan trọng là phải xem xét những kiến nghị đó có được lập luận phù hợp không. Nếu thấy phù hợp khách quan thì phải tiếp thu” - TS Trương Đắc Linh (ĐH Luật TP.HCM) nói.
Đưa ra kinh nghiệm của những lần lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp trước đây, TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, phân tích: “Phải nghiêm túc, tỉnh táo, bàn bạc thấu đáo các đóng góp của nhân dân để tiếp thu vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Kinh nghiệm những lần góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước đây cho thấy có những vấn đề người ta đã kiến nghị thay đổi rồi và ta không tiếp thu. Nhưng thực tiễn đã chứng minh ý kiến của dân đúng và mãi cho đến 20 năm sau, những vấn đề ấy lại tiếp tục đưa ra bàn bạc…”.
Tăng thời gian lấy ý kiến Theo các chuyên gia, hiện nay thời gian công khai góp ý một dự án luật đã là 60 ngày. Với vị trí, vai trò đặc biệt của bản Hiến pháp, thời gian tham vấn như dự kiến (tháng 2, 3-2013) là không ổn, ảnh hưởng đến việc đạt được mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của cuộc tham vấn đặc biệt này. Vì thế, các chuyên gia đề nghị cần mở rộng thời gian góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tới đây. GS Trần Ngọc Đường đề nghị cần nâng thời gian góp ý lên 4-6 tháng. Trao đổi lại, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho hay: Vì thay đổi thời gian dự kiến thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (từ 2014 chuyển lên cuối 2013) nên mới rút ngắn thời gian các lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ kiến nghị lại với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để kiến nghị lên trung ương xem xét thấu đáo vấn đề này. |
MINH CƯỜNG