Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 182 năm 2004 về phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đang được lấy ý kiến các bộ, ngành và cuối tháng này sẽ được trình Chính phủ. Nhiều hành vi bị bỏ lọt lâu nay trong quản lý, sử dụng đất đai sẽ được đưa vào nghị định sửa đổi để xử lý.
Hết né làm “giấy đỏ”
Quốc hội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010 cả nước cơ bản hoàn thành việc đăng ký cho các loại đất. “Thực tế cho thấy mục tiêu này khó đạt được. Một trong những nguyên nhân khiến việc cấp “giấy đỏ” chậm là do người dân không tự đi đăng ký quyền sử dụng đất, dù đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người sử dụng đất” - ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT), cho biết.
Ông Phi lý giải có nhiều người dân thờ ơ với việc làm “giấy đỏ”. Theo họ, nếu không bán đất thì khỏi cần có “giấy đỏ”, họ vẫn làm nhà ở, trồng trọt trên đất đó mà không có gì ảnh hưởng. Người dân không làm “giấy đỏ” thì trước tiên quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Trường hợp đất đó bị người khác lấn chiếm hay có tranh chấp, nhà nước sẽ không có cơ sở để bảo vệ họ. Việc không đăng ký quyền sử dụng đất cũng gây khó cho quản lý nhà nước.
Khi sửa đổi Nghị định 182 lần này, Bộ TN&MT đưa vào quy định những trường hợp không đăng ký quyền sử dụng đất sẽ bị phạt khi nghị định mới có hiệu lực thì những trường hợp né không làm “giấy đỏ” sẽ bị phạt (xem bảng).
Có thể cho ghi nợ tiền sử dụng đất
Theo ông Phi, trường hợp người dân có khó khăn về tài chính thì nhà nước cho ghi nợ tiền sử dụng đất. Ai có nhu cầu thì làm đơn xin ghi nợ gửi đến cơ quan làm thủ tục về nhà đất. Trường hợp người dân bị cán bộ làm khó dễ thì cần phản ánh với chính quyền ba cấp xã, huyện, tỉnh theo Luật Khiếu nại, tố cáo.
Trước khi nghị định sửa đổi Nghị định 182 có hiệu lực, chính quyền địa phương phải thông báo để người dân biết đi làm “giấy đỏ” trước để khỏi bị phạt. Tổng cục Quản lý đất đai đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện việc cấp giấy chủ quyền cho người dân.
Phạt quảng cáo “lố” về thửa đất
Hiện nay, người dân muốn mua đất để xây nhà hay đầu tư thường bị rối bởi các thông tin rất tốt về thửa đất mà người bán hay trung tâm môi giới nhà đất chào hàng. Đến khi tìm hiểu kỹ, người mua mới té ngửa bởi đó chỉ là tin dởm. Có không ít người mua đất đã phải trả giá đắt khi tin vào các thông tin không trung thực này. Dự thảo sửa đổi Nghị định 182 có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của người cung cấp thông tin đất đai rất khắt khe. Ngoài việc bị phạt tiền, người cung cấp thông tin sai còn phải bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin sai (nếu có).
Dự thảo sửa đổi cũng bổ sung hình thức chế tài đối với các chủ đầu tư không có năng lực nhưng lại “ôm” dự án để xí phần đất hay chuyển nhượng kiếm lời, làm nhiều khu đất bị “treo’” nhiều năm. Mức phạt cao nhất đối với chủ đầu tư vi phạm là 10 triệu đồng.
HOÀNG VÂN