Tối 8-11, Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 4 đã chính thức diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM).
Phát biểu tại lễ khai mạc, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 4 là dịp để các nghệ sĩ ảo thuật của cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
"Đây cũng là dịp phát hiện tài năng tiềm năng sáng tạo đặc biệt của chuyên ngành ảo thuật, đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ ảo thuật hiện nay, để có những chủ trương, định hướng đào tạo lực lượng nghệ sĩ ảo thuật của nước ta trong thời gian trước mắt và lâu dài" – NSND Trịnh Thúy Mùi cho hay.
Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 4, năm 2023 có 29 tiết mục được chọn Ban giám khảo của Liên hoan là NSND Tạ Duy Ánh (chủ tịch hội đồng), NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, NSND Tống Toàn Thắng, NSƯT Trần Định, NSƯT Lê Minh Tuấn.
NSƯT Thanh Thúy, PGĐ Sở VH&TT TP.HCM tin tưởng, qua liên hoan, nhiều tác phẩm ảo thuật có giá trị cao sẽ ra đời, đóng góp vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của thành phố ngày càng phong phú hơn.
"Tôi kỳ vọng các nghệ sĩ bằng sức sáng tạo và sự đầu tư hiệu quả sẽ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, góp phần tích cực vào các hoạt động nghệ thuật trong thời gian tới" – NSƯT Thanh Thúy bày tỏ.
Đêm khai mạc diễn ra với sự tranh tài của 8 thí sinh đến từ các đơn vị nghệ thuật Chi hội ảo thuật miền Nam, Đoàn ảo thuật xiếc Vũng Tàu, Liên đoàn xiếc Việt Nam, CLB ảo thuật Tiền Giang, CLB ảo thuật TP Đà Nẵng, Đoàn ảo thuật xiếc Hương Xuân Vĩnh Long, CLB ảo thuật TP.HCM và có cả thí sinh tự do.
Trong đêm thi, nhiều thí sinh đã có những phần thi đầy ấn tượng khi đem yếu tố văn hoá kết hợp cùng ảo thuật.
Trong đó phải nói đến phần thi Chùa đệ nhất Tây thiên của thí sinh Đinh Thị Liên (Liên đoàn xiếc Việt Nam). Ảo thuật gia này đã khéo léo kết hợp hầu đồng với các tiết mục ảo thuật biến chim bồ câu,… đem đến một không gian đậm chất văn hoá phía Bắc.
Chia sẻ với PLO, Đinh Thị Liên cho biết, vì văn hoá tín ngưỡng của Việt Nam đã được Unessco công nhận là Văn hoá phi vật thể vì vậy nữ nghệ sĩ này muốn gửi gắm đến khán giả cũng như tôn vinh về văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự linh thiêng của thờ tam mẫu.
"Tôi quyết định đưa giá đồng chúa chúa bà đệ nhất Tây thiên vào tiết mục ảo thuật để vừa nói lên được sự linh thiêng mà vẫn đưa được các tiết mục ảo thuật phù hợp để làm sao cho khán giả thấy được 2 yếu tố đó trong phần thi của mình" - nghệ sĩ Đinh Thị Liên cho biết.
Theo ảo thuật gia Đinh Thị Liên, chị mất nhiều tháng để nghiên cứu và hơn 2 tháng để tập luyện. Điều khó khăn nhất là lựa chọn những động tác phù hợp cho hầu đồng.
Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra tối 10-11 tại Nhà hát TP.HCM.