Mở toang cánh cửa đón những nhân tài nhạc cổ điển, đem đến một sự bảo trợ dài lâu để nghệ sĩ yên tâm cống hiến, bằng những kế hoạch đường dài đưa nhạc cổ điển Việt Nam vươn tầm quốc tế, sự ra đời của Sun Symphony Orchestra giống như làn gió mới thổi vào nền âm nhạc Việt Nam.
Gian truân nghệ thuật hàn lâm
Trong khi các liveshow nhạc giải trí liên tục “cháy vé” thì những buổi hòa nhạc thính phòng vốn đã không nhiều về số lượng và dù được đầu tư công phu, hoành tráng cũng vẫn thưa vắng khán giả.
Nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine, Giám đốc âm nhạc của Sun Symphony.
Để trở thành một nghệ sĩ nhạc cổ điển không dễ. Nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine, Giám đốc âm nhạc của Sun Symphony Orchestra từng nói: “Xác định theo đuổi âm nhạc cổ điển là người nghệ sĩ đã chấp nhận thiệt thòi, khó khăn”. Sống với nghề ở trong nước khó, họ tìm đến những nơi tốt hơn để được làm nghề. Chuyện “chảy máu chất xám” trong âm nhạc cũng không khó hiểu khi nhiều tài năng nhạc cổ điển trong nước lần lượt xuất ngoại để tìm “đất diễn”.
Khi nghệ sĩ nhạc cổ điển không thể kiếm sống bằng nghề thì khó có thể nói họ phải gắn bó, phải chuyên tâm để sáng tạo nghệ thuật, phải thay đổi để bắt kịp xu hướng thế giới và mang nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng Việt.
Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến nhạc cổ điển Việt Nam, nói như nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam là “đã tự bó buộc sự phát triển của mình khi hình thành xu hướng "công chức hóa" những nghệ sĩ biểu diễn”. Ông cũng cảnh báo âm nhạc hàn lâm cần đổi mới mình bằng việc xã hội hóa, sáng tác những tác phẩm đáp ứng được nhu cầu của công chúng chứ không thể ở mãi trong “tháp ngà nghệ thuật”.
“Xã hội hóa” để nhạc hàn lâm vươn xa
Vấn đề “xã hội hóa” âm nhạc hàn lâm, thế giới cũng đã làm nhiều lắm rồi. Ngay ở Mỹ, số lượng các mạnh thường quân của âm nhạc hàn lâm cũng không còn “đông đảo” như trước. Greg Sandow, nhà phê bình âm nhạc của New York Times, Wall Street Journal và giảng viên cao học tại Nhạc viện nổi tiếng Juilliard (New York) cũng không phủ nhận rằng: “Ngay cả ở Mỹ, chi phí tổ chức cho dàn nhạc biểu diễn vô cùng tốn kém, lại ngày một bị cắt giảm đi”.
Thế nên, khi được tin Việt Nam ra đời một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn như Sun Symphony Orchestra, dưới sự bảo trợ của Tập đoàn Sun Group với cam kết bảo trợ lâu dài, ít nhất là trong 10 năm tới, rất nhiều người, thậm chí cả các chuyên gia âm nhạc cũng… ngỡ ngàng. Tới tham dự lễ ra mắt Hội đồng điều hành của dàn nhạc hôm 20-9, được nghe những con người tâm huyết nói về dự án này thì chính họ đã chuyển từ ngỡ ngàng sang tin tưởng và hy vọng.
PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam.
Sun Symphony Orchestra được bảo trợ phi lợi nhuận, với cách thức chiêu mộ nhân tài mới mẻ của dàn giám khảo quốc tế để đảm bảo chất lượng nghệ sĩ tốt nhất cho dàn nhạc; tương lai, sẽ có một nhà hát Opera riêng cho dàn nhạc cùng với mức thu nhập đủ để yên tâm cống hiến hết mình với âm nhạc… Dàn nhạc còn được dẫn dắt bởi một giám đốc âm nhạc dày kinh nghiệm như nhạc trưởng người Pháp Olivier Fabrice Ochanine – người xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới để giành giải nhất cuộc thi nhạc trưởng quốc tế Antal Dorati International Conducting Competition năm 2015 tại Budapest, Hungary… Nhiều chuyên gia đánh giá Sun Symphony Orchestra đang có một xuất phát điểm mà không phải dàn nhạc trong nước, thậm chí cả quốc tế nào cũng có được. “Quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công của dàn nhạc là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí không dám mơ đến”- Giám đốc điều hành Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời Vũ Anh Tuấn nói.
Trong bối cảnh chung không ít dàn nhạc, nhóm nhạc giao hưởng tư nhân ra đời rồi lại nhanh chóng ra đi vì thu không đủ chi thì cam kết bảo trợ của một Tập đoàn như Sun Group, sự thận trọng mà chắc từng đường đi nước bước của Sun Symphony Orchestra giống như một tấm “hộ chiếu” quý giá để nhạc cổ điển Việt có thể sống ổn trong nước và nuôi hi vọng vươn mình ra với thế giới.