Đó là lần đầu Đức Thắng vào Sài Gòn thi đấu dưới danh nghĩa quân của Thể Công cho mượn. Thắng kể lần đầu vào Sài Gòn đá bóng thấy gì cũng lạ lẫm và phải tập làm quen dần.
Ở Quân khu 7, Đức Thắng được các anh em hướng dẫn tận tình, được rèn ở đấy một thời gian và cũng đã có suất đá chính. Sau đó Đức Thắng trở về Thể Công tham gia đội 1 cùng lứa Đặng Dũng, Đinh Thế Nam, Hải “trắng”, Hải “Tần”, Mạnh Cường, Xuân Lý, Sĩ Long, Hồng Sơn… Bây giờ hỏi Đức Thắng ấn tượng với bóng đá Sài Gòn ở chỗ nào thì anh lại nhắc đến những lần khoác áo Thể Công ra sân Thống Nhất và được người hâm mộ Sài Gòn yêu thương, đón nhận.
Thời cầu thủ Đức Thắng từng một mình rời Hà Nội vào Sài Gòn đá bóng, nay thì Đức Thắng lại dẫn các cầu thủ rời Hà Nội vào Sài Gòn thi đấu. Ảnh: XUÂN HUY
Trong những ký ức đấy Đức Thắng không thể nào quên trận đánh bại Bình Định 4-0 mùa 1994 ngay ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, biến sân Thống Nhất thành ngày hội lớn và các anh được tung hô, khen ngợi không thua gì đá sân nhà Cột Cờ.
Lần trở lại này khi dẫn dắt CLB Sài Gòn sau khi chuyển từ cái tên Hà Nội sang, Đức Thắng lại có nhiều nỗi niềm khác. Chút lo âu, chút bối rối nhưng rồi ngay buổi tập đầu của đội trên sân Quân khu 7, Đức Thắng lại thấy rất thân quen. Từng khoác áo Quân khu 7, từng chơi trên sân Thống Nhất trong màu áo Thể Công và từng có cảm xúc đá bóng ở Sài Gòn như đá trên sân nhà, nay thì thầy trò Đức Thắng lại đứng trước một hoàn cảnh mới cũng trên đất Sài Gòn. Đó là ngoài sự thân quen còn là trách nhiệm với màu cờ sắc áo và cái tên Sài Gòn mà đội bóng đã mang lấy cùng lời hứa chinh phục người hâm mộ Sài Gòn.
Vẫn biết là rất khó nhưng thực chất thì người Sài Gòn không khó tính. Dù bạn là ai và dù đội bóng đấy đến từ đâu, miễn là chân thành, có trách nhiệm và cháy hết mình thì mọi thứ sẽ đến như ngày nào Đức Thắng cùng Thể Công có những ngày hội trên sân Thống Nhất.