TS Nguyễn Xuân Diện phát biểu như trên tại tọa đàm “Chung tay bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì” diễn ra ngày 14-3 tại Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Với tư cách là một kiến trúc sư cảnh quan, người từng được ba lần tham gia vào việc tìm kiếm hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội, bà Trần Thanh Vân lên tiếng phản đối về sự xuất hiện của nhiều dự án hiện nay tại Ba Vì. Bà dẫn chứng: Sân golf quốc tế Đồng Mô khởi động từ năm 1990 đã chiếm khu đất rộng 300 ha và 1.500 ha mặt nước. Cạnh đó có hai sân golf khác là Lakeside (1993) và Moutain View (2004) và hiện nay, dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Dầu khí cũng đã được phê duyệt. “Những sân golf này đang là mối đe dọa đối với cái nôi của nền văn minh lúa nước với những vườn chè và rừng thuốc độc nhất vô nhị ở Ba Vì hiện nay” - bà Vân nói.
Lo ngại về những tác động xấu đến Ba Vì, TS Ngô Kiều Oanh bức xúc: “Một cách rất thiển cận và có thể coi là tội ác khi vì lợi ích (nhất là lợi ích của một nhóm người dưới danh nghĩa các dự án xây dựng) chỉ trong chốc lát đã hủy hoại vĩnh viễn lớp phủ sinh thái tự nhiên và nông nghiệp hàng ngàn năm mới tạo ra được”.
Đứng trước thực tế vùng đất thiêng Ba Vì đang trở thành mảnh đất màu mỡ của các nhà đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng nếu không khéo léo và kiên quyết trong xử lý, Ba Vì sẽ bị xâu xé và biến dạng. “Ba Vì vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước và cây lương thực, cây thuốc quý, đồi chè, có thể sẽ biến thành nơi buôn bán bất động sản với lâu đài, khu biệt thự và những gì linh thiêng nhất từ ngàn năm có thể lụi tàn” - kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân cảnh báo.
Cũng theo các đại biểu, để lưu giữ được những giá trị cả về cảnh quan, môi trường, văn hóa… cần có một chiến lược dài hơi với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan và quan trọng hơn là một quy hoạch tổng thể hợp lý. Một trong những ý kiến nhận được sự quan tâm của các đại biểu đó là hướng tới xây dựng Công viên địa chất Ba Vì-Hà Nội, đồng thời phát triển nơi đây trở thành một vùng du lịch nông nghiệp xung quanh chân núi Ba Vì.
TRÀ PHƯƠNG