Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT, cho biết theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Quy chế cũng cho phép trường được dùng kết quả ba bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài toán, ngữ văn để xét tuyển. Không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét cho một ngành. Như vậy, xét về luật và quy chế, các trường được tùy chọn tổ hợp và hoàn toàn không sai phạm khi sử dụng tổ hợp khối C để tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế; khối A vào ngành văn học, múa.
Tuy nhiên, theo bà Phụng, trong quy chế tuyển sinh cũng quy định các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Tổ hợp phải có ít nhất một hoặc hai môn thi trong đó được coi là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình. “Nếu nhà trường không tuân thủ quy chế này mà sử dụng các tổ hợp không liên quan sẽ phải giải trình với Bộ GD&ĐT. Với những tổ hợp tuyển sinh có sự bất thường, Bộ cũng sẽ yêu cầu trường giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, những trường có dấu hiệu tuyển sinh bằng cách “vơ vét” thí sinh sẽ bị kiểm tra, thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp” - bà Phụng nói.
Bà Phụng cũng nhấn mạnh sau giải trình, kiểm tra chất lượng, những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.