Gạo từ thiện bị cho gà ăn

Đó là điều làm cho bạn Nguyệt Đình Khôi, Chủ nhiệm tổ chức Từ thiện Y Tâm, trăn trở khi cho gạo từ thiện tại một huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng cách đây ba năm nhân buổi tọa đàm “Hoạt động từ thiện - Tình nguyện -Công tác xã hội” do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, CLB Công tác xã hội chuyên nghiệp TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu - tư vấn Công tác xã hội - Phát triển cộng đồng (SDRC) và Trung tâm Đào tạo phát triển xã hội (SDTC) tổ chức ngày 30-7.

Gạo từ thiện bị cho gà ăn ảnh 1

Bạn Nguyệt Đình Khôi, Chủ nhiệm nhóm Từ thiện Y Tâm, đang chia sẻ cách làm từ thiện của nhóm. 
“Hằng tháng, Quỹ gạo ấm bụng của tổ chức đều phát gạo định kỳ cho 40 hộ gia đình. Sau một thời gian, mình xuống thăm dò lại thì được biết gạo quá khô, không ăn được nên nhiều người dân đem đổi gạo khác và bù thêm tiền, thậm chí cho người còn cho gà, chó ăn hoặc bán.
Có người chưa đến ngày phát gạo thường gọi điện hỏi có gạo chưa, nhà hết gạo rồi. Điều này làm cho mình cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. Thế nên mình đã tạm ngưng và suy nghĩ cách làm khác sao cho hiệu quả hơn. Thay vì cho gạo, tụi mình đã cho vật nuôi để người dân tự gây vốn cho mình”, bạn Khôi chia sẻ kinh nghiệm về cách từ thiện mà nhóm đã từng làm.
Theo Khôi, để hoạt động từ thiện có hiệu quả thì cần phải nắm bắt được nhu cầu của người nhận chứ không chỉ cứ đến cho những gì mình có là được. Đôi khi một cây cầu cho người dân qua sông, trẻ em đến trường còn quan trọng hơn những tấn gạo nhiều. Nếu thay đổi hành vi từ thiện thì sẽ góp phần làm cho người thực hiện thoải mái hơn và mang lại nhiều ý nghĩa hơn.

Khôi cũng dẫn ra một câu chuyện về “của cho không bằng cách cho” tại buổi tọa đàm: “Cách đây ba năm, một bạn tình nguyện viên của nhóm biết đến tình cảnh của một người phụ nữ bị teo cả cơ tay và chân tên Nguyễn Thị Nhạn, sống ở Sóc Trăng. Chị luôn nghĩ là mình đã tàn phế. Tìm hiểu thì biết chị thích may nên nhóm đã tặng cho chị một cái máy may và nhờ hàng xóm dạy chị may. Chị đã rất nỗ lực, sau bốn tháng thì may được sản phẩm đầu tiên là miếng lót nồi. Mỗi ngày chị chỉ may được năm cặp nhắc nồi bán được với giá 15.000 đồng nhưng chị rất hạnh phúc và cuộc sống chị cũng thay đổi từ đó. Với hoàn cảnh này thì mình hiểu rằng việc cho người ta cần câu thì nó quan trọng hơn rất nhiều so với cho con cá”.

Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến đặt ra làm sao để tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào từ thiện của người nhận. Trả lời vấn đề này, bạn Phạm Tâm Tuấn Khương, Chủ nhiệm nhóm Bếp sẻ chia, đưa ra kinh nghiệm của nhóm mình: “Khi đến thăm các mái ấm, mặc dù có thể mua đủ số bánh kẹo để phân phát cho các em nhưng tụi mình sẽ cố tình mua ít hơn để các em chia sẻ với các bạn khác. Qua động tác cho này, tụi mình cũng muốn gián tiếp giáo dục ý thức sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau cho các em”. Còn bạn Nguyễn Thị Nữ, sáng lập Tủ sách Ước mơ, góp ý: “Để hoạt động từ thiện có hiệu quả cần kéo sự tham gia của bên thụ hưởng vào. Chẳng hạn như trước khi đưa tủ sách về các trường ở vùng sâu vùng xa, nhóm mình đều làm việc với nhà trường và nếu nhận được sự hợp tác nhiệt tình của nhà trường thì nhóm mình mới đưa tủ sách đến”.

Còn bạn Nguyệt Đình Khôi thẳng thắn kể câu chuyện nhóm sẵn sàng chở hết xe vật liệu xây dựng về sau khi đã hứa cho chủ nhà. “Do khả năng có hạn nên nhóm chỉ có thể hỗ trợ vật liệu để xây một căn nhà tình thương cho chủ nhà. Trước khi quyết định hỗ trợ vật liệu xây nhà, nhóm đã có bàn bạc với chủ nhà và chủ nhà đã đồng ý sẽ kêu gọi nhân công là người thân để xây nhà sau khi có vật liệu. Thế nhưng đến ngày đổ vật liệu xuống thì chủ nhà lại nói giờ chẳng có ai chịu làm cả nên bắt buộc nhóm mình phải căn cứ theo thỏa thuận mà làm và tránh tạo tiền lệ xấu”.

Save

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm