Gặp cô “Mẫn” trong Mẫn và Tôi của Phan Tứ

Tôi nhìn kỹ bà. Tháng năm đã xô những vết ngang dọc trên gương mặt của người đàn bà 71 tuổi. Nếu tìm có tấm ảnh của “tuổi 20 yêu dấu”, hẳn khó hình dung tuổi 20 của cô Mẫn xinh đẹp, chỉ huy 12 đơn vị du kích của vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai-Núi Thành - Quảng Nam. “Sao mày biết tao là Mẫn?”. Tôi cười: “Ai mà không biết”. “Lứa tao mới biết chứ lớp trẻ biết gì”.

Ngoài sân, nắng lên gay gắt. Vùng bán sơn địa như Tam Mỹ đây, vốn kín gió, lại càng oi nồng. Cả gia tài của đời văn Phan Tứ được sinh ra từ cái chòi canh chuột ăn kho thóc của tuyên huấn khu 5, vùng nóc ông Bền và Tứ Mỹ - Kỳ Sanh này. Cách đây mấy năm, bà Thanh - mẹ nuôi của Phan Tứ, bà “Má Bảy” ấy, mất, thọ 107 tuổi. Bà Phận ngoắt tay chỉ vào gốc mít góc vườn: “Chỗ đó, trước có cái hầm, hễ động là ông Tứ vọt xuống nấp”.

Bà Võ Thị Phận

Tôi kể cho bà nghe, có lần gặp một người là cán bộ xã, bị ổng thuyết giảng lý luận văn học về bà, rằng bà ấy là cô Mẫn đấy, nhưng cô Mẫn trong Mẫn và tôi là chỉ huy du kích 12 xã vành đai Chu Lai, chứ bà Phận chỉ làm giao liên, phụ nữ, rồi binh vận thôi. Ông còn móc tiếp một câu: Anh biết nhân vật văn học chứ, đó là sự nhào nặn nhiều con người để thành một, cho nên bảo đúng cũng được, không cũng chẳng sao! Tôi hỏi: Nếu tôi, mọi người đọc Mẫn và tôi bảo đúng là thế, anh nghĩ sao? Vì sao trong nhà bả treo ảnh Phan Tứ trên bàn thờ?

Phan Tứ vào chiến trường miền Nam năm 1960. Bà gặp ông giữa đường khi đi cáng thương binh. Một tháng sau, ủy ban dẫn ông vào nhà cha bà, nói rằng cho ủy ban gửi một tháng. “Lúc đó tao mới 20 tuổi, dám để ý ai. Tứ Mỹ-Kỳ Sanh là vùng đất giải phóng đầu tiên của Quảng Nam; bộ đội, cán bộ đi về như nước chảy, có biết ai là ai. Sau đó, tao học một lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Ngãi, lại gặp ông Tứ giảng bài về dân vận, chiến tranh du kích, binh vận. Phan Tứ ở vùng đất này đến năm 1965 mới đi hẳn”.

Đột ngột bà quay sang tôi: “Mày đọc Mẫn và tôi chưa?”. Tôi phì cười, đọc nát rồi cô ơi. “Vậy mày giải thích tao nghe vì sao trong đó ổng viết “Út cõng em”. Út mà sao lại có em?”. Tôi bó tay. “Chỉ có ở đây mới biết thôi. Tao là Út Phận. Mẹ tao thiếu con trai nên xin một đứa con nuôi. Nó là em tao, tên là Võ Sầm, gọi là cậu Mười , hiện đang sống ở thôn 8”.

“Cô biết không, con vào internet, thấy nhiều người, lớn có nhỏ có, đều khen tình yêu của cô Mẫn và anh Thiêm là quá đẹp, quá lãng mạn, một tình yêu đẹp nhất trong văn học chống Mỹ”. “Thế à? Tao nhà quê làm gì biết họ nói gì”. Nói xong, bà chống cằm nhìn ra sân, không nén được tiếng thở dài. Tiếng con mọt kẽo cọt xà nhà. Tôi nhìn lên, ngay cây cột đỡ cạnh bàn thờ, trên cao là ảnh nhà văn Phan Tứ. Ông đã thành người thiên cổ. Tôi cố nhớ những trang ông viết về tình yêu giữa anh Thiêm và cô Mẫn. Cứ tưởng tượng một cô gái trẻ măng, quấn khăn dù, áo bà ba, khoác AK, nắm tay một anh nhà văn mới qua tuổi 30, vai xắt cốt, hông đeo súng ngắn, đi dưới ánh trăng non, sau lưng họ là khoảnh rừng vừa cháy do bom... Tình yêu của cô Mẫn và anh Thiêm đã lay động trái tim bao thế hệ đọc sách. Một tình yêu lý tưởng, hiểu theo nghĩa đúng của tình yêu, chứ không phải thứ lý tưởng lên gân, bởi Phan Tứ đã viết bằng cả sự dấn thân và trải nghiệm, với tư cách là người trong cuộc.

Bà phá sự im lặng bằng giọng trầm tưởng, mà tôi nghe như đang có những giọt mưa, giọt mưa của ký ức vun đầy và vỡ tan. “Gặp miết, sao mà không yêu được. Tao biết ổng thương tao là do ăn chén chung. Thì sáu người mà chỉ có ba cái chén. Tao với ổng một chén, người ni ăn xong chuyển sang người kia. Tao đi đâu ổng đi đó. Khi ổng chuyển lên cái chòi cách đây 3km, cũng mình tao đưa thức ăn, áo quần lên. Có bữa nó nện bom nhiều quá, về không được, ổng lo. Tao nói: Không về được thì ở lại đây ngủ. Ổng nói : Ừ, lâu rồi mới nghe nói rứa! Ổng khó tính, gay lắm nghen mày, dễ gì để ổng ưng. Tao hồi đó mà lí lắc, cà chớn, sao lọt mắt ổng được”.

Bà khóc. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một người già khóc vì tình yêu. “Yêu lúc nào làm sao mà nhớ, thì cùng đi cùng làm việc với nhau mà. Ổng ở nhà tao mấy năm chứ ít đâu”. Bà cắt lời tôi rồi khóc tiếp. Tôi đứng dậy, ra ngoài. Trưa trung du như tấm gương cầu khổng lồ, loáng nắng vòm lá và cây rừng. Những cánh rừng một thời Phan Tứ đã sống và viết. Những cánh rừng của cô Mẫn và anh Thiêm cùng chạy tránh pháo, cùng tâm sự lúc vắng người, cùng xẻ chia cái nhìn sau một đợt pháo. Những khoảnh khắc chỉ là khoảnh khắc, nhưng sẽ là dài vô tận, bởi nó được sinh ra từ chiến tranh với bao điều không lý giải được. Ngay cả bà Phận, đến khi ngồi cùng tôi đây cũng ngơ ngác đến nao lòng.

***

Chung quy cũng là chuyện ra đời của một con người. Tôi đến, không có anh ở nhà, mà đang bận dạy ở trường xã. Anh là Phan Thế Huẫn. “Lúc đầu tên nó là Uẩn, do cha tao đặt, dụng ý: nó là đứa con của uẩn khúc, hơn nữa chiến tranh, lỡ sau này có đi lạc, thì cái tên khó nghe lại dễ tìm. Sau tao thấy khó kêu quá nên đặt là Huẫn”. Anh Huẫn sinh năm 1963.

“Sinh nó được sáu tháng thì ổng đi, nhắn tao đưa con lên gặp. Mấy chị em dẫn lên, ổng bồng nó, dặn tao “trời đất cho đứa con, tụi mình không biết đứa nào chết trước đứa nào, em ráng nuôi con”, xong, đưa ra chiếc nhẫn vàng “em giữ nó, khi nào khó khăn quá thì bán nuôi con”. Tao lắc đầu, ở nhà lo gì. Ai ngờ, khi bồng con về thì chị tao la lên: “Nó đeo chiếc nhẫn vào ngón chân cái thằng cu nè". Nhẫn tao còn giữ đấy. Xong, ổng đi luôn”. “Giải phóng ra, ổng có gặp cô không?”. “Tao nghe nói năm 1977, ổng có ghé về, gần đến nhà, không hiểu sao quay ra lại. Biệt luôn. Năm ổng mất, thằng Huẫn có ra, xin được chít khăn tang".

Tiễn tôi về, bà bảo, ngày kia là giỗ ông Tứ rồi. Hễ ngày nào giỗ, đêm đó thế nào cũng chiêm bao thấy ổng về. Cách đây một tuần, lại thấy ổng về, rủ ra ruộng ngồi chơi. Lạ quá! Tao nhớ hoài lời ổng nói khi chia tay: “Em yên tâm, sau này nếu không ở với nhau được, anh cũng làm điều đó cho em thanh thản. Thế mà...”.

Theo Trung Việt (Phụ nữ TP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới