Gặp nghệ nhân tuồng cuối cùng của triều Nguyễn

Theo chân nhóm nghiên cứu đề tài Xây dựng hồ sơ mặt nạ tuồng Huế, chúng tôi đã gặp cụ La Cháu - nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn để nghe cụ kể chuyện làm tuồng ngày xưa.

Hát cho vua nghe

Cụ là con cháu của dòng họ khai canh làng Hà Trung (nay thuộc xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), có ông nội giỏi đờn ca xướng hát, có cha là người đầu tiên của làng được thu nhận vào học tại Thanh Bình Thự - Võ Can Thự, lớp tuồng đồng ấu về hát tuồng và múa cung đình.

Giống như cha mình, năm 10 tuổi, cụ được tham gia lớp tuồng đồng ấu tại Thanh Bình Thự. Tại đây, ngoài cha, cụ còn học nghề hát tuồng với thầy Quảng Phước, thầy Đội Em và trở thành nghệ sĩ tuồng cung đình chuyên nghiệp.

Kỷ niệm lớn nhất trong đời cụ là vào thuở thiếu thời, một lần khi cụ đang học diễn thì vua Khải Định ngự giá ngang qua Nhà hát Duyệt Thị Đường. Ngẫu hứng, nhà vua bất chợt hỏi: “Có thằng nào hát hay không, hát cho trẫm nghe nào?”. Thầy Đội Em bảo cụ hát một câu, cụ liền hát:

“Rượu nghiêng hồ càng say cựu ngãi

Nhờ ngàn vàng không cãi người xưa”

Nghe xong nhà vua liền nói: “Thằng ni hát được đó, hát hay đó”, rồi hỏi tiếp: “Rứa thì mi nhớ cái chi và không cãi cái chi?”. Mặc dù rất hồi hộp nhưng cụ cũng nhanh chóng trấn tĩnh, tâu: “Muôn tâu bệ hạ, con luôn nhớ những gì thầy dạy và con cũng không bao giờ dám cãi lại lời thầy”. Nhà vua cười, xoa đầu cụ cho lui.

Gặp nghệ nhân tuồng cuối cùng của triều Nguyễn ảnh 1

Các diễn viên tuồng đồng ấu dưới triều Nguyễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khoảng năm 1936-1938, trên khắp cả nước diễn ra phong trào chống lại nhà nước bảo hộ. Trong bối cảnh đó, cụ La Cháu cùng nhiều nghệ sĩ tuồng trốn sang Lào. Ở môi trường mới, cụ cùng các nghệ sĩ vừa tham gia phong trào đấu tranh chính trị, vừa tổ chức biểu diễn nghệ thuật để phục vụ bà con Việt kiều. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946 cụ mới có điều kiện trở về nước, tiếp tục hoạt động biểu diễn tuồng…

Cụ còn nhớ khi chế độ quân chủ sụp đổ, tuồng cung đình chuyển sang môi trường diễn xướng khác phục vụ những khán giả “bình dân”, cách tiếp thị cũng rất đặc biệt. Buổi chiều trước đêm diễn, mỗi diễn viên tự kẻ mặt tuồng, ngồi trên những chiếc xe xích lô có trống, kèn chạy khắp các đường phố để giới thiệu vở diễn. Cụ đã bôn ba nhiều nơi, dừng chân tại nhiều gánh hát. Cụ cũng từng lưu lạc theo các gánh hát vào tận Sài Gòn - Gia Định…

Năm 1968-1975, cụ cùng những người bạn nghề tâm huyết đã lập ra một trường nghệ thuật đồng ấu nhằm đào tạo lớp trẻ với mong muốn đưa nghệ thuật tuồng trở lại thời hoàng kim. Sau này có thời gian cụ cộng tác giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế. Nhiều thế hệ học trò của cụ đã thành danh và khẳng định được mình như NSƯT Bạch Hạc, NSƯT Chánh Huế, nghệ sĩ Thanh Long, Diệu Hy, Thu Vân...

Tam đại đồng đường chung nghiệp diễn

Dù nghệ thuật tuồng đã vắng bóng khán giả từ lâu nhưng từ trong sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ, cụ La Cháu luôn tâm niệm: “Mấy đứa con tui, đứa mô không theo nghề hát tuồng thì tui không coi là con”. Có lẽ vì quan niệm khá độc đoán đó mà con cháu cụ dù ít, dù nhiều đều “dính” với nghiệp hát tuồng.

Theo các nhà nghiên cứu, tuồng cung đình đã phát triển rực rỡ dưới thời vua Tự Đức. Nhiều kết quả khảo sát cho biết trong số 500 kịch bản tuồng hiện đang được lưu trữ tại thư viện Nữ hoàng Elizabeth (Anh), đa số là những sáng tác, nhuận sắc từ ban Hiệu thư thời vua Tự Đức.

Hiện nay, trong gia đình cụ nhiều người đã thành danh với nghiệp diễn như NSƯT La Cẩm Vân, nghệ nhân La Nguyên, đạo diễn La Hùng. Cùng với cha mẹ mình, hiện ba người cháu nội của cụ là La Tuấn, La Phước Cường, La Thanh Hải cũng đang tiếp tục nối nghiệp cha ông.

Còn nhớ cách đây hai năm, Trung tâm Truyền hình VN tại Huế đã ghi hình cảnh cụ diễn vai Phàn Định Công trong vở Sơn Hậu. Ai cũng lo cụ không diễn tiếp được khi thấy cụ phải dừng lại nhiều lần để nghỉ. Vậy nhưng cụ một mực nói rằng mình chẳng những không mệt mà còn rất vui khi lớp trẻ vẫn còn quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.

Bây giờ tròn trăm tuổi cụ vẫn yêu nghề, thích diễn. Và điều cụ mãn nguyện nhất là tất cả thành viên trong gia đình mình đều nối nghiệp cha ông, cảm được niềm vui khi dốc lòng níu giữ tinh hoa của một bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Năm 1993, cụ La Cháu giành được Huy chương vàng trong Hội diễn các trích đoạn tuồng hay toàn quốc tại Huế. Năm 2005, cụ được Bộ Văn hóa-Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng khen vì có công phục chế phục trang biểu diễn tuồng Huế. Cụ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007 và được Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Huế tặng giải thưởng cố đô lần thứ tư năm 2010...

Gặp nghệ nhân tuồng cuối cùng của triều Nguyễn ảnh 2

Cụ La Cháu - nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyền. Ảnh: TRỌNG BÌNH

Các vai diễn gắn với đời cụ: Lưu Khánh (tuồng Tống Địch Thanh), Bạt Hổ (tuồng Giang Chấn Tử), Phàn Định Công, Tạ Ôn Đình và Linh Tá (tuồng Sơn Hậu), yêu cá và vua đói (tuồng Lý Phụng Đình), Tiết Cương và Võ Tam Tư (tuồng Hộ sanh đàn), Tạ Ngọc Lân (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Phàn Hổ (tuồng Chinh đông - Chinh tây)…

TRỌNG BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm