Từ tháng 1-2018 đến nay, nói đến sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ Việt Nam (VN), không chỉ giới chuyên môn VN mà cả các chuyên gia ở châu Á nhắc nhiều đến ông HLV người Hàn Quốc từng làm trợ lý cho “phù thủy” Guud Hiddink - ông Park Hang-seo. Nhắc nhiều vì cũng những con người đấy nhưng dưới bàn tay của ông Park thì đấy lại là một tập thể, một bó đũa khó bị bẻ gãy.
Một đội hình thắng Nhật ở vòng bảng khác với đội hình thắng Bahrain, sang đến trận gặp Syria lại là một đội hình khác. Khác rất xa ở vạch xuất phát (đội hình ra sân) nhưng lại có chung một mẫu số: Những cầu thủ được đưa vào ở hiệp 2 đều là những người tạo nên sự đột biến khó lường. Nếu Công Phượng - Văn Toàn là tác nhân của bàn thắng quý trong trận đấu không hay trước Bahrain thì Anh Đức - Văn Toàn lại là bộ đôi khiến người ta liên tưởng đến họ được tung vào để giúp nhau ghi bàn trước một đối thủ có phần nổi trội hơn.
Nhưng những chiến thắng dưới thời ông Park Hang-seo lại cho thấy một sự pha trộn giữa chỉ đạo ở khu kỹ thuật (dấu ấn chiến thuật), khả năng thực hiện và chuyển hóa theo ý đồ HLV (ý thức và kỷ luật) đến niềm tin và sự hy sinh vì cái chung của một tập thể.
Cái ôm giữa thầy Park và “siêu dự bị” Văn Toàn vì một thành quả chung của Olympic Việt Nam. Ảnh: HUY PHẠM
Xuân Trường (đội trưởng đội U-23 VN tám tháng trước) khi ngồi dự bị trong trận gặp Syria đã hiểu rất rõ mình được “cất” vì khả năng đánh chặn và phòng ngự không thể bằng Đức Huy trong một trận đấu cần những mẫu cầu thủ phòng ngự ở giữa sân hơn là làm bóng. Quang Hải, một cầu thủ chân tiền nhưng trước Syria vẫn phải chịu “phần thiệt” đó là chơi xa cầu môn đối phương và buộc phải tăng khả năng tranh chấp, đặc biệt khi có “máy chạy” Văn Toàn và cây nêu Anh Đức cắm ở tuyến trên. Hay như Công Phượng cũng thế. Hai trận với hai trọng trách khác nhau: Với Bahrain, Phượng được đưa vào từ ghế dự bị để khai thác những điểm yếu của đối thủ; còn với Syria thì mục đích ở hiệp 1 là phá sức đối phương và giúp các ông thầy ở khu kỹ thuật nhìn nhận ra điểm yếu ở một hàng thủ to, cao nhưng xoay trở chậm.
Tôi rất thích cái cách nhìn nhận ngắn nhưng đầy đủ và bao hàm tất cả của cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải: Đấu pháp với Olympic Syria, hiệp 1, khổ nhục kế; hiệp 2, kiên trì, chịu đựng; “hiệp 3+4”, kết liễu đối thủ.
Cũng không sai khi cho rằng đây là lứa cầu thủ chín chắn, kinh nghiệm và bản lĩnh nhất bởi mỗi người, mỗi vị trí và kể cả những vị trí vào sân từ ghế dự bị là một mắt xích đồng bộ với nhau theo một ý đồ và kỷ luật đấu pháp nghiêm ngặt. Họ không chỉ là một bó đũa trên sân mà còn ở ngoài sân. Điển hình là cách xử khéo léo với một vài bộ phận truyền thông chỉ trích Văn Quyết thì tập thể đấy vẫn ra sức bảo vệ cầu thủ đàn anh giàu cá tính tự tin mang chiếc băng đội trưởng.
Giá trị của một chiến thắng không phải là một bàn thắng mà là cả một chuỗi nơi một tập thể biết nhẫn, nhịn, biết cương, nhu và nhất là biết là một.
Đấy là điều mà báo chí châu Á đang soi vào rất nhiều những bất ngờ của một đội trẻ VN từ giải U-23 châu Á đến Asiad 18 với biết bao cú sốc và địa chấn từ nội lực, từ sự quyết tâm, từ niềm tin và cả những may mắn.
Điều mà một Syria mạnh mẽ hơn phải ngán ngại, thận trọng rồi thua ở phút 110.
Bây giờ thì Hàn Quốc, đội bóng đang chịu sức ép của nhà vô địch mạnh hơn, đầu tư tốt hơn lại có cả ngôi sao Premier League nhưng đang rất thận trọng trước một David (cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á) và là đội duy nhất sau 480 phút chưa để lọt lưới.