Với bóng đá nam ở Olympic châu Á có “ba suất + một” của chủ nhà Nhật thì bóng đá nữ không được hưởng đặc ân này, tức chỉ là đội tuyển nữ Nhật và hai suất còn lại.
Như vậy, ngoài đội tuyển nữ Nhật ra, vô số bà chị châu Á chen chúc nhau kiếm hai suất còn lại của khu vực gồm Úc, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc… Những tên tuổi mà nhìn vào thực lực và giá trị truyền thống thì khó có cửa cho những đội muốn chen lên như Việt Nam, Thái Lan gây đột biến.
Đội tuyển nữ Việt Nam đang trẻ hóa hướng đến tương lai. Ảnh: VFF
Bóng đá nữ Việt Nam được miễn vòng loại thứ nhất. Và từ vòng loại thứ hai sẽ nằm bảng B cùng với Jordan, Uzbekistan và Hong Kong, thi đấu từ ngày 1 đến 9-4. Thể thức thi đấu và tìm hai suất còn lại của châu Á từ vòng loại thứ hai là 12 đội chia làm ba bảng. Mỗi bảng đá vòng tròn chọn ra ba đội đứng đầu ba bảng vào giai đoạn 3 cùng với năm đội giỏi nhất châu Á (tính theo Asian Cup 2018) gồm Úc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Tám đội này chia làm hai bảng đá vòng tròn một lượt, lấy hai đội nhất, nhì mỗi bảng đá chéo với nhau xác định hai suất dự Olympic 2020.
Xét theo độ khó đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung ở bảng B của giai đoạn thứ hai có cửa vô địch bảng nhưng vào giai đoạn 3 đấu với các “bà chị” có số má thì có sự lệch pha rất lớn. Điều mà giới chuyên môn cho là không thể có một trong hai suất đầu bảng chứ chưa nói đến thắng trong trận đấu chéo.
Chưa thể chen chân vào tốp 5 bóng đá nữ châu Á nhưng cứ xem đây là giải đấu để cọ xát và hướng đến tương lai.