The Diplomat cho rằng, đối với Trung Quốc, thể thao và chính trị quốc tế liên quan chặt chẽ với nhau. Trung Quốc đã coi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là cơ hội để thể hiện khả năng của Bắc Kinh với thế giới.
Ông Jeff Ruffolo, tác giả của cuốn Inside the Beijing Olympics (Tạm dịch: Bên trong Thế vận hội Bắc Kinh), đã giải thích rằng mục đích cuối cùng của Trung Quốc không chỉ đơn giản là để giành những tấm huy chương mà là để chứng minh với thế giới rằng hệ thống chính quyền của họ là hệ thống tốt nhất. Thành công về thể thao được Trung Quốc xem là một cách chứng minh sức mạnh quốc gia với thế giới.
Trung Quốc đang khao khát chiếc "World" cup nhưng đường còn quá xa xôi. |
Theo The Diplomat, bản thân ông Tập Cận Bình cũng là một người rất hâm mộ bóng đá. Ông Tập đã từng công khai bày tỏ hy vọng rằng đội bóng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới. Đây không phải chỉ là mơ ước của một người hâm mộ bóng đá mà đối với ông Tập Cận Bình, bóng đá đã trở thành một phần của “Giấc mơ Trung Hoa”.
Ông Tập Cận Bình còn thiết lập 3 mục tiêu bóng đá Trung Quốc: “Đội tuyển quốc gia Trung Quốc sẽ vào tới chung kết World Cup. Trung Quốc sẽ đăng cai tổ chức World Cup và giành chức vô địch World Cup”.
Hồi đầu năm nay, khi chiếc cúp FIFA World Cup được trưng bày tại Thượng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc Lin Xiaohua nói rằng "giấc mơ bóng đá là một phần của Giấc mơ Trung Hoa”.
Và để thỏa mãn giấc mơ cường quốc bóng đá, Trung Quốc đã xây dựng một ngôi trường khổng lồ để huấn luyện các vận động viên bóng đá.
Qua đó có thể thấy, Trung Quốc đang rất khao khát chiếc “World” cup (cách nói bóng gió của việc đưa Trung Quốc lên một vị thế lớn hơn trên trường quốc tế). Sự thành công hay thất bại của Trung Quốc trên sân cỏ đã được xem là một biểu hiện cho vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Mặc dù Trung Quốc đã thành công đáng kể tại Thế vận hội 2008, nhưng cho đến giờ bóng đá Trung Quốc vẫn chưa ghi được dấu ấn nào trong làng bóng đá thế giới. Và đối với nhiều người Trung Quốc, sự thiếu thành công của bóng đá đã không chỉ còn là nỗi thất vọng mà đã thành một sự hổ thẹn quốc gia.
Mùa hè năm ngoái, khi đội tuyển quốc gia Trung Quốc để thua với tỷ số 1-5 trước Thái Lan trong một trận đấu giao hữu ngay trên sân nhà, nhiều cư dân mạng đã chỉ trích đội bóng vì cho rằng họ đã khiến Trung Quốc “mất mặt” và “xấu hổ”.
Theo The Diplomat, nỗi hổ thẹn về bóng đá Trung Quốc còn bị đẩy lên cao hơn khi đội bóng Nhật Bản có thành công lớn hơn, đều được tham dự World Cup kể từ năm 1998. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có một lần được tham gia World Cup vào năm 2002 và ra về tay trắng với 0 bàn thắng.
Trong khi World Cup đang diễn ra, đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn đang âm thầm luyện tập. Chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá để một ngày nào đó Trung Quốc được đạt được mục tiêu World Cup.
Tuy nhiên, không giống như sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và quân sự, việc đạt được giấc mơ này dường dư đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của Bắc Kinh. Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu đội tuyển quốc gia lọt vào top 8 đội bóng mạnh nhất trên thế giới từ năm 2004. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, hiện Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt bên ngoài top 100, và thậm chí không đứng được trong top 8 ở châu Á (Trung Quốc hiện đang xếp hạng thứ 12 trong danh sách của Liên đoàn bóng đá châu Á).
Mặc dù người dân Trung Quốc rất nóng lòng và tỏ ra thất vọng với bóng đá nhưng các phương tiện truyền thông Trung Quốc vẫn đang cố hướng tới và gieo mầm hy vọng chứ không phải nỗi hổ thẹn.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã viết: "Sự quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với các môn thể thao đã thúc đẩy lòng tin của những người hâm mộ với bóng đá và sự kỳ vọng vào các tuyển thủ”.
Nói cách khác, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang cố gắng truyền cảm hứng để Trung Quốc đạt được mục tiêu trong một phần của “Giấc mơ Trung Hoa” này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo PHẠM KHÁNH /Infonet