Reuters hôm qua (18-6) dẫn tin từ hãng Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự “quy mô lớn” vào tuần này với điều kiện họ sẽ bắt đầu lại các chương trình quân sự nếu phía Triều Tiên thất hứa về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Đồng thuận nhưng chưa đồng lòng
Yonhap dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên nói rằng việc ngừng tập trận khả năng sẽ nhắm vào các chương trình tập trận chung quy mô lớn, không bao gồm các hoạt động huấn luyện quân sự thường xuyên.
Theo đánh giá của truyền thông quốc tế, lời hứa “cá nhân” của ông Trump vào hôm 12-6 sau cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rằng Mỹ sẽ “kết thúc trò chơi chiến tranh” đã khiến các quan chức Washington lẫn Seoul bất ngờ. Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết họ không nhận được bất kỳ chỉ thị nào trong việc ngừng tập trận, trong khi các quan chức Hàn Quốc lúng túng “sẽ cố gắng làm rõ ông Trump muốn ngừng cuộc tập trận nào” trong phát ngôn của ông ấy.
Các quan chức quốc phòng Mỹ lẫn chính phủ Hàn Quốc dường như rất vất vả để thực thi các chính sách mà ông Trump đưa ra đầy ngẫu hứng. Ông Harry Harris, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nói trước Thượng viện hôm thứ Năm tuần trước rằng trong hiểu biết của ông ấy thì Mỹ và Hàn Quốc chỉ dừng các chương trình tập trận quy mô lớn, trong khi các chương trình tập huấn quân sự thường xuyên giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục.
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy trong nội bộ Mỹ, lẫn giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản đồng lòng với các quyết định của ông Trump; dù rằng có thể vì lợi ích chung trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, họ đều đồng thuận rằng trong trung và dài hạn việc giảm các dấu hiệu đe dọa của liên quân Mỹ-Hàn với Triều Tiên trong tương lai là cần thiết.
Tổng thống Trump (phải) cho rằng ông và lãnh đạo Kim Jong-un đang mang lại hòa bình cho châu Á. Ảnh: AP
Ba khả năng tiếp theo
Các tuyên bố của ông Trump “gây bất ngờ” hơn là tạo nên không khí tích cực và hy vọng. Thứ nhất, ông Trump tỏ ra mình quá hiểu Triều Tiên - quốc gia mấy mươi năm khép kín và bí ẩn bậc nhất thế giới. Chính sách đối ngoại, chương trình hạt nhân Triều Tiên là những vấn đề đầy tranh cãi mà ngay cả những chương trình tình báo của Mỹ cũng đau đầu.
Mục tiêu thật sự của Triều Tiên có phải trở thành “một quốc gia bình thường” hay không thì chưa ai dám khẳng định. Nhưng chắc chắn quyền lực là thứ mà các nhà lãnh đạo không dễ từ bỏ, nhất là trong một gia đình nhiều thế hệ vừa khai sinh vừa cầm quyền một đất nước. Thứ quyền lực đó không có gì hơn chính là “hạt nhân” - cũng là “cầu nối” Trump-Kim.
Thứ hai, nếu quả thật Triều Tiên đang hướng về quá trình phi hạt nhân hóa thì thời gian cho quá trình này không phải ngắn, nhất là theo yêu cầu của Mỹ - loại bỏ chương trình hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Mỹ tuyên bố cho Triều Tiên thời hạn 2,5 năm để làm điều đó. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, phía Mỹ đã gửi tới Triều Tiên một danh sách gồm 47 yêu cầu liên quan đến giải trừ hạt nhân theo cam kết. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân cho rằng 2,5 năm chỉ đảm bảo Triều Tiên thực hiện các hình thức giải trừ cơ bản nhưng không đủ để có thể biết được liệu Bình Nhưỡng đã từ bỏ hẳn hay chưa.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ cần phải linh hoạt khi áp dụng các áp lực quân sự với Triều Tiên nếu nước này thiện chí trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Hàn Quốc cũng cân nhắc cẩn thận các cuộc tập trận chung với Mỹ và yêu cầu quan chức Hàn Quốc phối hợp với Mỹ trong vấn đề này. Tổng thống Hàn Quốc MOON JAE-IN |
“Hòa bình khu vực” hay những mỹ từ tương tự mà ông Trump nói về thượng đỉnh Trump-Kim chưa có cơ sở về tính thực tiễn. Việc nhanh chóng đưa ra các quyết định có lợi cho Triều Tiên một cách thiếu suy xét, thiếu sự “đồng lòng” nội bộ Washington và với đồng minh sẽ làm yếu đi vị thế đàm phán của Mỹ, đồng thời tiến trình đàm phán khó trơn tru.
Thứ ba, ông Trump đang thuyết phục Bình Nhưỡng bằng cách làm tổn thương quan hệ đồng minh, làm mất niềm tin của Hàn Quốc, Nhật Bản - hai quốc gia đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc an ninh và cơ cấu quyền lực Mỹ tại khu vực. Việc đối thoại với Nhật và Hàn Quốc rất hạn chế và thường vào tình thế “chuyện đã rồi”.
Điều này làm suy yếu sức mạnh Mỹ tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi dậy đầy thách thức. Thay đổi cách tiếp cận đồng minh thành “phi đồng minh” ngay cả khi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa cũng khiến an ninh Mỹ suy yếu và chỉ Trung Quốc có lợi. Trong khi thứ mà Mỹ cần đảm bảo liên quan đến hạt nhân Triều Tiên suy cho cùng cũng chính là vấn đề an ninh và trật tự Mỹ dựng nên.
Ngược lại, nếu Triều Tiên không làm đúng cam kết, ông Trump sẽ bị chỉ trích và nổi giận. Khi đó, tai họa lại là thứ không thể lường trước.
Hôm 17-6 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố trên Twitter cá nhân: “Việc ngừng lại “trò chơi chiến tranh” khi các cuộc đàm phán diễn ra là yêu cầu của tôi, vì chúng quá tốn kém và tạo ra tiêu cực đối với việc đàm phán chân thành hiệu quả. Thêm vào đó chúng rất khiêu khích. Có thể bắt đầu (tập trận) trở lại ngay lập tức nếu các cuộc đối thoại đổ vỡ, điều mà tôi hy vọng không xảy ra”. Tổng thống Trump không giấu ý định hủy bỏ các chương trình quân sự mà ông cho là tốn kém tại châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Việc ngừng tập trận để đổi lấy “cam kết từ phía Triều Tiên” sẽ được ông Trump, trong khả năng quyền lực của một đương kim tổng thống Mỹ, thúc đẩy như một động thái “một mũi tên trúng hai đích” - giảm chi phí quốc phòng, đốc thúc Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. |