Theo đó, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, nâng cao vị thế, vai trò của hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, thống đốc NHNN yêu cầu: Phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác thanh tra tại chỗ thời gian qua; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tại chi nhánh, đặc biệt là khi ban hành kết luận thanh tra phải đảm bảo đạt được một số yêu cầu cơ bản.
Có thể nói đây được coi là bước đi cụ thể, rõ ràng đầu tiên của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và ông Lý Xuân Hải vừa qua, nhất là khi chính thống đốc đã phải thừa nhận ở Thường vụ Quốc hội về sự yếu kém của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng. Sự yếu kém này đã tự nhiên bộc lộ ra khi phía Bộ Công an cho biết đơn thư tố cáo bầu Kiên đã nhiều lần gửi đến họ nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước chẳng hề hay biết, kể cả các hoạt động theo kiểu "thâu tóm" ngân hàng của bầu Kiên đã từng nhiều lần được báo chí nêu.
Cùng thời điểm, Ngân hàng HSBC phát hành báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngân hàng Hong kong này cho rằng việc công bố rõ tỉ lệ nợ xấu cùng với nhiều nỗ lực nhằm phục hồi niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng chứng tỏ những nỗ lực cao của Chính phủ hướng tới sự minh bạch, tạo sự tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Vì thế, để đạt được kỳ vọng “tận gốc” về xử lý các yếu kém của ngân hàng, vấn đề của hệ thống thanh tra, giám sát của NHNN các cấp không chỉ là việc ra các văn bản đôn đốc, tăng cường mà còn là việc cải tổ nhân sự, tiếp thu và lắng nghe phản ánh của báo chí và những người gửi tiền thì niềm tin sẽ sớm phục hồi.
BẰNG LĨNH