Ngày 17-12, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội có buổi tọa đàm “Cuộc hành hương của chữ”, mà nội dung chính là bình về Cô độc của nhà văn Uông Triều vừa ra mắt công chúng.
Lấy bối cảnh gần gũi với tòa nhà nơi anh công tác, lấy văn chương, chữ nghĩa, công việc biên tập của mình làm chất liệu, Cô độc đưa người đọc đến không khí đậm chất văn chương, khám phá đời sống nội tâm của một biên tập viên và cũng để đi vào bản thể tận cùng cô độc trong mỗi con người.
Buổi tọa đàm và ra mắt sách diễn ra tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Ảnh: THÀNH DUY
Buổi tọa đàm kết hợp ra mắt cuốn sách cũng là một sự kiện hiếm hoi bởi nhiều yếu tố. Lâu lắm rồi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế - trụ sở Văn Nghệ Quân Đội, nơi được coi là “ngôi đền văn chương”, diễn ra sự kiện ra mắt sách mà tác giả của nó lại đang ngự trong khuôn viên này với tư cách một biên tập viên.
Và cũng lâu lắm rồi những người đang “hành hương với chữ” được dịp tề tựu để cùng nói về văn chương và nói về “đứa con tinh thần” của Uông Triều.
Đọc Cô độc, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá tác giả đã dò thấu tâm lý con người, vì vậy ngoài là một nhà văn, Uông Triều còn là một nhà giải phẫu tâm lý. Cô độc không thỏa mãn ai đó cần cuốn tiểu thuyết về hiện thực đời sống hiện nay.
Tôi đọc thấy đau đầu, mệt mỏi. Uông Triều cho thấy trạng thái con người ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát tâm lý của mình. Một xã hội bất an và không an toàn” - ông cảm nhận.
Còn nhà phê bình La Khắc Hòa (Lã Nguyên) bày tỏ Cô độc không chiều độc giả. Cuốn này mà viết cách đây 20 năm thì không được yên thân đâu. Ông cũng tếu táo: “Cô độc mà như anh trong tác phẩm này, sảnh ra cái là có gái và rượu, cô độc như vậy ai mà chẳng thích”.
Ở một góc độ khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại dành lời khuyên cho tác giả nói riêng và các nhà văn nói chung: "Ông làm gì thì làm nhưng ông phải chú ý cả vợ, cả con. Các ông không thể dung tục được. Các ông làm gì cũng phải vì các ông và vì vợ con. Chúng ta đừng coi văn học là nhất. Nhưng dù sao văn học cũng là loại đặc biệt. Văn học phải có chân thiện mỹ, ba cái đó chân là khó nhất vì chân là chân thật, chân xác, chân lý...".
Đón nhận những ý kiến đóng góp của người tham dự, tác giả Uông Triều nói rằng mọi người cứ yên tâm, anh đã đủ bản lĩnh để vượt qua mọi sóng gió.
Ngoài Cô độc, nhà văn Uông Triều còn là tác giả của các tiểu thuyết Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng, Người mê và một số tập truyện ngắn, sách khảo cứu, tản văn.