Sau 25 năm, cuốn sách vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc bởi những câu chuyện xúc động về Người.
Cho tới nay, sách đã in đến lần thứ 20 (sau mỗi lần tái bản, được tác giả bổ sung thêm tư liệu, tình tiết mới) và số bản in lên tới hàng vạn bản, đây là con số mơ ước của rất nhiều nhà văn. Hôm nay (2-6), Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tác phẩm này nhân 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2021).
Toạ đàm vừa diễn ra hôm nay (2-6), nhân 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: CTV
“Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú là tập ký viết về Bác Hồ giai đoạn thời niên thiếu đến khi rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Những câu chuyện giản dị, rất thật, rất đời đã khắc hoạ thành công tầm vóc vĩ nhân. Tác phẩm là hồi ức của nhiều lãnh đạo, các anh hùng chiến sĩ, các cán bộ miền Nam được gặp Bác Hồ.
Cuốn sách chia ra hai phần: "Miền Nam trong trái tim người" và "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng". Một trong những điểm nhấn của cuốn sách này là những trang sách viết về tấm lòng người miền Nam đối với Bác, tình cảm Bác đối với miền Nam. Tình cảm son sắt ấy được nhà văn Trình Quang Phú kể lại thông qua những câu chuyện giản dị, đi vào lòng người.
Nhà văn Võ Thu Hương xúc động chia sẻ rằng: “Tôi lặng đi với những trang viết mà nhà văn Trình Quang Phú ghi lại về kí ức nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển – người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác:
- Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời”. Nghe tôi nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác”.
Cô du kích ấy về sau được qua Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được cái tình của Bác trong cả những bước chân mình: “Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn có thể trở về đội ngũ”…
'Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng’ của nhà văn Trình Quang Phú đã được 6 nhà xuất bản tái bản đến 19 lần. Ảnh: CTV
Chọn cho mình một lối đi riêng, hầu hết tác phẩm của Trình Quang Phú đều viết về Bác Hồ. Có thể kể đến như: “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”…
Nhà văn Bích Ngân, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng có một sức sống bền bỉ, đó là tác phẩm đạt được giá trị chân thực, giàu cảm xúc và là truyền cảm xúc đến người đọc.
Tác phẩm ấy được đặt bút bởi Trình Quang Phú - một người dành suốt cả cuộc đời viết đề tài về Bác Hồ, về chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính vô bờ, với tình yêu vô cùng sâu sắc và với sự ý thức rất cao về thiên chức của người cầm bút.
Đọc Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng không chỉ để hiểu thêm về cuộc đời của Bác, mà còn để được soi mình vào tấm gương của Bác, để tự răn mình và có thể hoàn thiện mình.