Giảm mạnh chi phí hành chính, tạo môi trường kinh doanh tốt

Ngày 17-3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp không còn phải “lo” cho cán bộ thuế

Theo báo cáo vừa được công bố trong sáng 17-3, nhóm TTHC về thuế đứng đầu mức độ cải thiện chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI), tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Nhìn chung, so sánh kết quả APCI trong ba năm qua cho thấy kết quả năm 2020 tốt hơn hai năm trước, cho thấy quyết tâm cải cách của Chính phủ, từng bộ, ngành, địa phương.

Để thực hiện các TTHC trong nhóm này, trung bình mỗi doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng chi phí trực tiếp. Tỉ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5%, với chi phí trung bình 500.000 đồng/TTHC.

Tỉnh Thái Bình là nơi có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm TTHC thuế với trung bình là 0,9 giờ. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có điểm số tốt nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm và thời gian thực hiện ngắn nhất là 1,9 giờ. Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long có điểm số thấp nhất, DN trung bình phải bỏ ra 9,5 giờ để hoàn thành một TTHC thuế.

Đáng chú ý, hầu hết trường hợp thực hiện nhóm TTHC thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp (do không phát sinh nghĩa vụ về phí/lệ phí với các TTHC). Đặc biệt, 100% DN được khảo sát đều khẳng định họ không phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập DN, khai thuế giá trị gia tăng, hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019.

Tiếp theo là nhóm TTHC môi trường với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Đứng thứ tư là nhóm TTHC điều kiện kinh doanh với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của hai nhóm trên không phải thực chất.

Các nhóm TTHC khởi nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là năm nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019...

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của
Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Cần “cắt vòi” chi phí không chính thức

Phát biểu tại buổi công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra bốn bài học cải cách từ APCI 2020.

Trong đó, nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí cho DN.

Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm thủ tục được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hằng năm. Những nhóm có điểm APCI cao, có tiến bộ đáng kể là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của DN, cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Theo ông Dũng, thành công ban đầu của cổng dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều này.

Bài học thứ hai là phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức. Điều này nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

“Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân” - ông Dũng nhấn mạnh.

Bài học thứ ba, theo ông Dũng là việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với DN từ giai đoạn trước cấp phép sang sau cấp phép. Điều này yêu cầu phải thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực, cũng như thay đổi nhận thức của DN về trách nhiệm kinh doanh của mình.

Khảo sát APCI cho thấy DN mong muốn công tác cải cách TTHC cần mang tính khuyến khích và hỗ trợ để DN tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát lỗi của DN để xử phạt. DN cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để họ có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.

Bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. “Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố về thể chế, hạ tầng mà còn phụ thuộc vào chính những người thực hiện các TTHC đó” - ông Dũng nói.

 

Năm khuyến nghị từ khảo sát 3.000 doanh nghiệp

Được công bố lần đầu vào năm 2018, báo cáo APCI thường niên phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích chi phí DN phải trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Báo cáo APCI 2020 là báo cáo được thực hiện lần thứ ba. Theo đó, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 DN đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong sáu tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12-2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC.

Từ đó có năm khuyến nghị cải cách được đưa ra từ APCI 2020 đó là: Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức, công bố, công khai TTHC; nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính; nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm