Ngày 14-10, ca sĩ Giang Hồng Ngọc chính thức phát hành album Mùa thu chết gồm các bài hát: Mùa thu chết (Phạm Duy); Thu ca (Phạm Mạnh Cương); Thu sầu, Tình bơ vơ (Lam Phương); Đời đá vàng (Vũ Thành An), liên khúc Nỗi đau muộn màng (gồm ba bài của Ngô Thụy Miên: Bản tình cuối, Nỗi đau muộn màng, Tình khúc buồn).
Album Mùa thu chết được phát hành dưới hai dạng: Album vật lý và album online. Trong thông cáo báo chí công bố phát hành album ghi rõ: “Việc phát hành album online cũng giúp cô tiết kiệm chi phí khá nhiều. Lý giải về điều này, Giang Hồng Ngọc bảo, cô muốn có sản phẩm mang dấu ấn cá nhân nhiều nhất, thể hiện nhiều sự thành tâm nhất đến khán giả, giống như một món quà dành cho những người hâm mộ. Sản phẩm được phát hành trên YouTube”.
CD Mùa thu chết của Giang Hồng Ngọc phát hành để tặng được thực hiện rất chỉn chu, công phu - Ảnh: Chụp lại CD
Và trong buổi gặp gỡ báo chí ra mắt album Mùa thu chết tại TP.HCM, khi trả lời cho câu hỏi lý do ra mắt album vật lý trong thời điểm này, ca sĩ Giang Hồng Ngọc cho biết: "Trong thời buổi hiện tại, làm một album vật lý sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian hơn là làm một MV nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bởi tôi muốn ở giai đoạn này mình phải có một sản phẩm âm nhạc thật hoàn chỉnh, mang đúng chất của mình".
Đến ngày 16-10, Phương Nam Phim (đơn vị khai thác độc quyền tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy và Vũ Thành An tại Việt Nam) và Bến Thành Audio Video (đơn vị giữ độc quyền quyền tác giả nhạc Lam Phương tại Việt Nam) cho biết chưa hề nhận được sự xin phép nào về việc phát hành album vật lý Mùa thu chết từ phía ca sĩ Giang Hồng Ngọc.
Ngày 17-10, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có thông báo rằng ca sĩ Giang Hồng Ngọc đã liên hệ VCPMC (Chi nhánh phía Nam) để xin phép sử dụng tám bài hát phát hành trực tuyến. Cụ thể, với các ca khúc Phạm Duy, Vũ Thành An, Lam Phương trong album VCPMC đã cấp phép cho Giang Hồng Ngọc phạm vi như sau: “Sao chép để phát hành trực tuyến trên kênh YouTube Giang Hồng Ngọc, YouTube Pops Music, ứng dụng nhaccuatui. Riêng hai bài: Thu sầu, Tình bơ vơ (Lam Phương) chỉ cấp phép sao chép trực tuyến trên ứng dụng nhaccuatui”.
Cho đến hiện tại, đơn vị nắm bản quyền nhạc Phạm Duy, Vũ Thành An vẫn chưa được Giang Hồng Ngọc thanh toán thù lao tác quyền sử dụng tác phẩm - Ảnh: Bá Ngọc
Lý do VCPMC không cấp phép cho Giang Hồng Ngọc phát hành nhạc Lam Phương trên nền tảng YouTube bởi từ 15-7-2019, Bến Thành Audio Video, đơn vị nắm giữ bản quyền nhạc Lam Phương tại Việt Nam đã ủy quyền cho BH Media thu tác quyền trên YouTube đối với nhạc Lam Phương.
Và theo VCPMC, hợp đồng cấp phép cho Giang Hồng Ngọc “chỉ phát hành trực tuyến bản ghi âm (audio), không bao gồm phát hành dưới các hình thức khác; trường hợp phát hành thêm dưới các hình thức khác thì bên sử dụng phải trả thêm tiền nhuận bút tương ứng với hình thức sử dụng”. Với điều khoản này, nếu Giang Hồng Ngọc tiếp tục phát hành các ca khúc trong album Mùa thu chết theo định dạng MV thì phải làm thêm thủ tục tác quyền khác.
Có lẽ chính vì việc “đối đế” trong xin phép tác quyền sau khi đã ra mắt album nên hiện tại trên YouTube không có album online Mùa thu chết mà chỉ có trên hệ thống nhaccuatui. Riêng đại diện BH Media, đơn vị được Bến Thành Audio Video ủy quyền thu tác quyền trên YouTube đối với nhạc Lam Phương tại Việt Nam cho biết sau khi phát hành album và truyền thông lên tiếng, chiều 17-10 phía ca sĩ Giang Hồng Ngọc mới đóng tác quyền hai ca khúc Thu sầu và Tình bơ vơ của nhạc sĩ Lam Phương.
Và cho đến thời điểm này (18-10), Phương Nam Phim vẫn không nhận được tiền tác quyền hay lời xin phép sử dụng nào hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và Vũ Thành An ở bản album vật lý.
Giang Hồng Ngọc là một giọng ca đặc biệt và có sắc vóc trong các ca sĩ hát dòng nhạc trữ tình - Ảnh: Bá Ngọc
Album vật lý Mùa thu chết của Giang Hồng Ngọc được cô cho biết chỉ phát hành để dành tặng bạn bè, truyền thông… Chính vì lý do đó nên hiện không ai biết được album được phát hành số lượng bao nhiêu.
Thực tế, rất nhiều ca sĩ phát hành album và công bố để tặng, điều này giúp "lách" các thủ tục cấp phép phát hành chính thức; tuy nhiên đĩa tặng đó vẫn được bán công khai tại các buổi diễn phòng trà, sô diễn hải ngoại lẫn trong nước… của nghệ sĩ. Và dù bản in tặng, rất nhiều nghệ sĩ có thể “né” tem phát hành nhưng có lẽ với lương tâm nghề, sự tôn trọng nhạc sĩ, công sức đầu tư của mình... thì tiếc gì một lời xin phép chủ sở hữu quyền mà phải “lờ” luôn cả một lời nói hay vài triệu tác quyền?