Họ không vội vã khi thời khắc giao thừa đến, bởi với họ, giao thừa là cuộc mưu sinh…
PLO xin giới thiệu những khoảnh khắc của Sài Gòn trong khoảng từ 23 giờ ngày 30 Tết (30-1) đến 0 giờ ngày mồng một Tết (31-1).
Suốt những ngày giáp Tết, quanh các vòng xoay: Công trường Dân Chủ (quận 3), Bùng binh Ngã Bảy (quận 10), Công trường Quách Thị Trang… tràn ngập những sắc màu của bong bóng. Mỗi mùa xuân, ứng với mỗi con giáp mà các vòng xoay này bán những loại bong bóng hình thù khác nhau. Năm nay mùa xuân Giáp Ngọ nên bong bóng hình tràn ngập nhiều loại hình thù của con ngựa.
Không chỉ trẻ em mà rất nhiều bạn trẻ thích thú với những chú ngựa vằn nhiều màu sắc…
Một gia đình người gốc miền Tây, lên Sài Gòn quanh năm buôn gánh bán bưng, chồng chạy xe ôm. Những ngày Tết, cả gia đình tranh thủ ra bán bong bóng ở Công trường Dân Chủ. Cả gia đình sẽ đón giao thừa cùng bong bóng ngay ở Công trường Dân Chủ này như ba bốn năm qua.
Những bông hoa cuối cùng được chủ tiệm hoa tươi Mokara trong khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) kết lên hình chú ngựa cho năm Giáp Ngọ.
Tiệm hoa Mokara là một trong những tiệm hoa cuối cùng ở chợ hoa Hồ thị Kỷ còn mở cửa đến sau 12 giờ; bởi vẫn còn hàng chục lẳng, bình hoa khách hàng đặt buột phải giao trước giao thừa.
Bất kể giao thừa hay năm mới sắp tới… hai chiếc xe lăn vẫn song song rong ruổi bán vé số trên những con đường quận 1. Đó là chú Thuận (Đồng Nai) và chị Mận (Bình Định). Họ là hai trong số hơn 20 người ở khu trọ của người khuyết tật chuyên bán vé số (đường Cống Quỳnh, quận 1) ở lại ăn Tết Sài Gòn. Theo lời chú Thuận thì có tất cả năm người ở lại ăn Tết nhưng đi bán vé số xuyên giao thừa chỉ có hai người, ba người còn lại ở nhà chuẩn bị cúng giao thừa cho khu trọ.
Và không kể thời gian, dẫu sớm hay khuya, đó là những người lao công miệt mài làm sạch những con phố Sài Gòn. Sài Gòn đẹp, duyên dáng hơn trong những ngày xuân nhờ có họ…