Gieo mầm từ đâu?

Thể thao học đường hay được nói đến như một nền tảng quan trọng trong việc phát triển thể thao nhưng đặc thù ở Việt Nam lại không ủng hộ phát triển thể thao trong môi trường này.

Từ chuyện Kelly Olynyk không phải đi học thêm

Kelly Olynyk là vận động viên (VĐV) bóng rổ nổi tiếng của đội tuyển bóng rổ NBA - giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, cách đây hai tháng đã đến Việt Nam trong vai trò của một “đại sứ” bóng rổ nhà nghề Mỹ. Chuyến đi ngắn ngày của anh tại Việt Nam ngoài những công tác xã hội và chăm lo cho cộng đồng, Kelly còn giao lưu và hướng dẫn cho các em học sinh làm quen với môn bóng rổ. Kelly Olynyk chia sẻ: “Tôi mong muốn bóng rổ ở Việt Nam phát triển và rất vui nếu một ngày nào đó, một trong số các em ở đây xuất hiện tại giải NBA nổi tiếng”. Kelly Olynyk cũng không giấu giếm việc mong muốn phát triển bóng rổ tại Việt Nam bắt đầu từ trường học và anh hy vọng nhiều tài năng sẽ được tìm thấy từ đấy như cái cách mà giáo dục Mỹ vẫn làm và tìm kiếm từ cái nền trường học.

Trước khi ra sân bay về nước, Kelly Olynyk có dự buổi tiệc nhẹ. Tham dự có Liên đoàn Bóng rổ TP.HCM, các vị khách bên ngành giáo dục, các chuyên gia và nhiều nhà báo thể thao… Tại buổi tiệc này, Kelly Olynyk và những người bạn Mỹ đang gõ cửa muốn phát triển bóng rổ tại Việt Nam mới vỡ lẽ khi biết một sự thật là để đưa bóng rổ vào học đường thôi đã là chuyện vô cùng khó. Chính các nhà báo thể thao hôm đấy đã chia sẻ câu chuyện học sinh ở Việt Nam kín mít các giờ học lại còn phải chạy show đi học thêm thì làm sao có khoảng hở để chơi bóng rổ như Kelly Olynyk ở Mỹ khi còn là học sinh cấp một đã được chơi bóng rổ. Có người còn nói vui là may cho Kelly Olynyk khi anh không phải bị đi học thêm và bị chạy show cho bằng bạn bằng bè với lịch học dày đặc như ở Việt Nam nên anh mới có cơ hội trở thành VĐV hàng đầu của đội tuyển Mỹ.

Ảnh trái: Kelly Olynyk mong muốn học sinh Việt Nam được chơi bóng rổ như hồi học sinh anh vừa học vừa chơi thể thao trong trường. Ảnh: KÊNH 14. Ảnh phải: Tạo điều kiện cho trẻ vừa học văn hóa giỏi vừa chơi thể thao tốt cả nước mới chỉ có lò bầu Đức là làm được.Ảnh: XUÂN HUY

Đến chuyện người Đức mất 12 năm để thay máu một thế hệ 

Sau khi đội Đức vô địch World Cup 2014, nhiều người đã đặt vấn đề người Đức mất 12 năm để thay máu một thế hệ thì bóng đá Việt Nam cần bao nhiêu năm để lên ngôi số một Đông Nam Á?

Cột mốc 12 năm mà người Đức bắt đầu cải cách từ năm 2002 sau khi đội tuyển Đức thua tan nát đội Anh 1-5 ngay trên sân nhà ở vòng loại World Cup 2002.

Kế hoạch thay máu đội tuyển bóng đá của người Đức bắt đầu từ việc phát huy các tài năng trẻ, đồng thời mở ra hệ thống bóng đá học đường dành cho trẻ em từ sáu tuổi trở lên. Cũng cần biết chương trình này không chỉ do LĐBĐ Đức thực hiện mà còn có sự đồng bộ của Bộ Giáo dục và các cơ quan quản lý cùng song hành. Thậm chí còn có cả sự tham gia của thủ tướng với việc chỉ đạo ý tưởng chung liên quan đến việc phát triển thể chất của người Đức và tính cách người Đức thể hiện qua môn thể thao vua. Rõ nhất là bữa tiệc bóng đá do đích thân nữ Thủ tướng Merkel chủ trì để hợp nhất nội các trong ngôi nhà bóng đá Đức (xem bài “Người đặc biệt!” trên Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 14-7).

Trong đội hình vô địch World Cup 2014, có những cầu thủ được “nhặt” lên từ môi trường bóng đá học đường mà người Đức quyết làm mới để đổi máu như Mario Gotze, Draxler (khi ấy mới 10 tuổi).

Nhà báo Vũ Công Lập từng đề cập về “mảnh ghép cuối cùng” trong chiến dịch làm mới của bóng đá Đức bắt đầu từ học đường đó là bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Đức - Matthias Sammer. Và cựu tuyển thủ này đã bắt tay ngay vào việc quan tâm đến tất cả trẻ em trên mọi vùng lãnh thổ của nước Đức từ sáu đến 18 tuổi, đặc biệt ở môi trường bóng đá học đường. Nó đòi hỏi trường học phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em và từ đó mọi cánh cửa vào đời sống bóng đá với các em đều rộng mở.

Cứ đà đó đến năm 2010 Đức có 366 cơ sở đào tạo trẻ, trên 1.000 HLV đang dạy dỗ cho 14.000 tài năng trong lứa tuổi 11-14 là lứa tuổi bắt đầu định hướng chuyên nghiệp. Cũng không lạ khi tất cả 19 cầu thủ đội U-23 Đức vào thời điểm đó đều là học sinh các trường chuyên bóng đá và sau đó tám cầu thủ đã có mặt ở World Cup 2010 có những cái tên Mueller, Oezil, Khedira... Rồi đến 2014 phải kể thêm Gotze, Schurrle, Reus... cũng đều xuất phát từ trường học.

Phần bóng đá Việt Nam thì ngay khâu phát triển từ trường học đã gãy bởi không có khoảng hở để học sinh chơi bóng đá trong trường. Và trong chiến dịch mời thầy Nhật đến làm mới bóng đá Việt Nam thì đấy cũng là vấn đề lớn nhất trong sự khác biệt giữa phát triển bóng đá Nhật và bóng đá Việt Nam vì thể thao học đường luôn bị chống lại bởi nạn học thêm, học show khiến phần trí lực ngày bị bóp lại.

ĐỨC TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm