Ngay trong hội nghị Ban Chấp hành VFF sáng 23-7, chiến tích của đội U-19 quốc gia từ vòng chung kết châu Á đoạt vé chơi giải thế giới cũng được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, phần bị che khuất đi nhiều là sự phát triển không đồng đều của bóng đá Việt Nam. Các đội tuyển quốc gia trẻ khỏe, đạt nhiều thành quả nhưng càng lớn lại càng yếm thế và còi cọc.
Ví như đội tuyển Việt Nam mới chỉ một lần đăng quang Đông Nam Á năm 2008 dưới thời HLV Calisto và sau đó vài lần vào đến bán kết là dừng bước. Với SEA Games thì bóng đá Việt Nam tính từ mốc năm 2001 hạn chế lứa tuổi U đến nay vẫn chưa một lần biết vô địch. Một lần nữa, trước SEA Games bóng đá Việt Nam lại hy vọng như bao lần mong một lần lên ngôi cao nhất.
Các cầu thủ trẻ U-15 trở về Việt Nam với cúp vô địch Đông Nam Á sau khi thắng U-15 Thái Lan. Ảnh: webthethao.vn
Cho nên cái cách nói của bầu Đức về đội tuyển U-22 lần này không lên đỉnh Đông Nam Á thì quan chức VFF nghỉ hết cho người khác làm không phải quá sốc. Nó đánh thẳng vào lòng tự trọng của nhiều chức sắc trong ngôi nhà VFF còn nuôi tư tưởng được ăn, được nói và được rất nhiều từ bóng đá mang lại.
Rất nhiều chuyên gia thường có nhận định bóng đá Việt Nam xuất phát điểm không thua kém nhiều cường quốc châu lục, từ thời đội U-16 từng gây tiếng vang ở giải châu Á năm 2000 hay đội U-15 vừa vô địch Đông Nam Á. Thế nhưng nhân tài từ các đội tuyển trẻ khi lớn lên thì rơi rụng dần do thiếu sự chăm sóc và đầu tư đúng mức.
Việc quy hoạch các giải đấu quốc gia chưa tạo ra một chân đế vững chắc cho sự phát triển, như giải V-League có đến 14 đội, còn hạng Nhất lẽ ra phải nhiều hơn thì lại chỉ có bảy đội. Vì thành tích cho CLB nên rất nhiều cầu thủ trẻ từ U-20 đến U-22 không có chỗ chơi. Các đội tuyển tìm mỏi mắt không ra một trung phong giỏi do phải nhường chỗ cho ngoại binh. Đấy là chưa kể đến mỗi lần kéo giải quốc tế về sân nhà để phát triển phong trào thì các đội tuyển quốc gia luôn mệt mỏi đi tìm những sân bóng cho đúng tiêu chuẩn để tập luyện.
Hội nghị Ban Chấp hành VFF kể công lớn về những chiến tích của các đội tuyển trẻ nhưng nhìn kỹ sẽ thấy vai trò của họ không rõ ràng. Hầu hết tuyến trẻ đều “ăn chịu” vào các lò bóng đá tư nhân như HA Gia Lai, Viettel, PVF, Hà Nội,…
Mừng cho bóng đá trẻ sớm nở với sự gắng gỏi vượt khó trong thời gian gần đây và không khỏi lo với sự phát triển đuối dần khi lên tuyến trên bởi sự chăm sóc và thiếu định hướng từ VFF.