Với thâm niên 20 năm công tác, có thể nữ kế toán trên đáng tuổi chị, cô, dì của nhiều khách hàng (hầu hết là nhân viên kế toán ngân sách của các xã). Trong một số ngữ cảnh nhất định của đời thường, bà ấy có thể gọi thân mật là “tụi bay”, tụi mày”. Nhưng trong công việc, bà ấy buộc phải tôn trọng và dùng lời lẽ giao tiếp chuẩn mực với tất cả khách hàng.
Với phân tích của tòa phúc thẩm, có lẽ Kho bạc nhà nước tỉnh nên chuyển bà ấy sang làm việc khác không trực tiếp tiếp xúc với người dân. Qua thực tế, tôi thấy nhiều cơ quan khác cũng có cách xử lý dung hòa như vậy.
PHUONG HANG (phuonghongmai@... yahoo.com.vn)
Ngôn ngữ xưng hô trong tiếng Việt dù rất phong phú về sắc thái nhưng lại thiếu những đại từ trung tính. Nếu ở nước ngoài, cán bộ, công chức có thể gọi mọi khách hàng là “you” rồi xưng lại là “I” mà không cần quan tâm nhiều đến giới tính, tuổi tác thì nước mình lại có cách cư xử khác. Nếu xưng tôi rồi gọi người đối diện là ông/bà (hoặc trẻ hơn thì là anh/chị) thì có người vì chưa quen sẽ cho là mình khô khan, xa cách. Ngược lại, nếu xưng em (hoặc con/cháu hoặc tên) với anh/chị (hoặc chú, bác/cô, dì) thì có người khó tính sẽ cho là mình tự nhiên chủ nghĩa. Bấy giờ, chính mình cũng cảm thấy e ngại, mất tự tin khi cần yêu cầu, giải thích nguyên tắc xử lý công việc với khách hàng. Chẳng biết các bạn thế nào chứ bản thân tôi đôi lúc thiệt khó xử!
Thôi thì tùy đối tượng, ngữ cảnh, chúng ta sẽ có cách xưng hô mà mình cho là phù hợp và trước mắt là đậm chất Việt. Tuyệt đối không được “mày, tao” với khách hàng vì như vậy là mất lịch sự và trịch thượng.
MINH THANH (nguyenvanthanh...@vnn.vn)
Từ bài báo, có thể xem lại cách hành xử không mấy văn minh của một bộ phận cán bộ, công chức mà gần đây đã được khắc phục nhiều. Chẳng hạn, để gọi tên bệnh nhân đến đăng ký khám chữa bệnh, nhiều nhân viên đã gọi trổng “Nguyễn Văn X, Trần Thị Y…” (thay vì “xin mời ông Nguyễn Văn X, bà Trần Thị Y…”. Gửi thư mời công dân đến trụ sở làm việc, nhiều cơ quan “quên” ghi ông/bà sau phần tên, họ. Trả lời điện thoại của khách hàng, nhiều cán bộ tiếng là đại diện của các cơ quan nhưng ăn nói cọc cằn, gắt gỏng, thiếu chủ ngữ, vị ngữ, tựa như “vừa bị vợ rầy”!
Nghe nói nhiều cơ quan ở TP.HCM đã tổ chức cho nhân viên học lớp “văn hóa giao tiếp”. Mong rằng vụ nữ kế toán “mày, tao” chỉ là trường hợp cá biệt và người dân luôn được các cơ quan tiếp đón bằng nụ cười và thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mực.
TRẦN THỊ NGHI (70/12 Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM)