Goal: V-League có ‘phí bôi trơn’ và những khoản chi lạ

Thông tin trên được tờ Goal đăng tải, qua cuộc trao đổi với nhà môi giới người Slovenia Jernej Kamensek. Theo đó, chỉ cần minh bạch hơn trong chi tiêu và đừng rải vào những khoản lạ thì mỗi CLB V-League sẽ tiết kiệm khoảng 30% ngân sách hằng năm.

Trước đây, Kamensek người từng được biết đến nhiều khi đưa hai chân sút Nastja Ceh, Ljupko Petrovic đến với sân cỏ Việt Nam. Sau gần chục năm lăn lộn cùng V-League, Kamensek rất rành đường đi nước bước, trong đó có những “quy định, luật lệ” bất thành văn tại thị trường ở V-League. 

Kamensek chia sẻ: “Không một cầu thủ chuyên nghiệp nào chi tiền ngược lại cho HLV để được ký hợp đồng bởi với HLV, họ đã được trả công bằng thành quả trên sân bóng. Thu nhập của họ không phải từ ngân sách CLB hay bòn rút từ túi các cầu thủ. Tuy nhiên, tôi biết ở V-League vẫn có HLV nhận khoản “hoa hồng” từ cầu thủ”.

Ngoài yếu tố kể trên, Kamensek còn chỉ ra nạn chi tiêu rất lạ và rất “khủng” tại V-League. Nó khiến các CLB tiêu tốn nhiều tiền hơn mỗi năm nhưng đổi lại việc kinh doanh không đạt hiệu quả và trở thành “mồi ngon” cho kẻ khác trục lợi quanh bóng đá, quanh những đội bóng chuyên nghiệp.

Nhà môi giới Jernej Kamensek có mặt trên sân Gò Đậu của B. Bình Dương và cựu binh Thanh Hóa Ivan Firer thành công trong màu áo Auxerre. Ảnh: GOAL

Ivan Firer, cầu thủ từng khoác áo Thanh Hóa nhưng không được tin dùng, sau đó đầu quân cho NK Domsale (Slovenia) đoạt vé dự Europa League. Ảnh: CMQ

Điển hình tại Việt Nam, tiền lót tay cho cầu thủ là một ví dụ. Số tiền “khủng” này mỗi lần CLB ký hợp đồng với cầu thủ thường vượt xa mức lương cộng mức thưởng mà họ nhận từ CLB mới. Theo chia sẻ của Kamensek: “Ngoài tiền chi lại cho nhà môi giới và cầu thủ, CLB còn tiêu tốn cho cái gọi là “phí bôi trơn”. Không ít HLV hay những người có quyền quyết định nhận cầu thủ tại Việt Nam đều muốn có tiền lót tay. Đấy cũng là lý do vì sao bóng đá Việt Nam ít có được ngoại binh giỏi”.

Cũng theo phân tích của Kamensek, các cầu thủ có chuyên môn tốt thường không “thỏa hiệp” với cách chiêu mộ cầu thủ rất “đặc trưng” của bóng đá Việt Nam. “Chính vì lý do này, họ sẽ trở thành cái gai cần loại bỏ của HLV đội bóng” - Kamensek nhấn mạnh.

Kamensek cũng chỉ ra trường hợp cựu tuyển thủ Slovenia Ivan Firer là một ví dụ điển hình tại Thanh Hóa năm 2016. Sau vòng đầu chơi khá suôn sẻ, anh bất ngờ tụt dốc thảm hại vì không cùng chung tiếng nói với HLV. Anh chia tay Thanh Hóa nửa mùa đầu, vào đấu cho B. Bình Dương chẳng bao lâu lại khăn gói về châu Âu cùng NK Domsale (Slovenia) đoạt vé dự Europa League, sau đó khoác áo Auxerre chơi tại Ligue 2 Pháp. Điều này cho thấy một cầu thủ giỏi muốn hòa nhập mà không chịu mất “phí bôi trơn” không hoàn toàn đơn giản.

Nếu thời điểm trước năm 2011 các CLB sẵn sàng chi nhiều hơn thì hiện tại điều này là bất khả thi, bởi yêu cầu “cắt” vài chục phần trăm chi phí lót tay cầu thủ.

Trên đây chỉ là phát biểu của nhà môi giới người Slovenia rất am hiểu về bóng đá Việt Nam. Ông nói lên điều mà lâu nay trong làng bóng Việt Nam vẫn râm ran chuyện lót tay chuyển nhượng và đội phí trong chuyển nhượng hay việc thu nhận cầu thủ.

Chuyện không mới nhưng được nghe từ chính một nhà môi giới từng làm việc với bóng đá Việt Nam rất đáng để suy nghĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm