Góp ý về bỏ ghi quê quán trên giấy tờ tùy thân

(PLO)- Để đảm bảo tính cần thiết về nhận diện một công dân, trên giấy tờ tùy thân chỉ cần ghi thông tin nơi sinh thay vì ghi quê quán như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ, trao đổi với báo chí liên quan đến ý kiến không cần ghi nguyên quán, quê quán mà chỉ cần ghi nơi sinh trên các giấy tờ tùy thân như CCCD, giấy khai sinh…, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết bộ này đang cố gắng đốc thúc các đơn vị liên quan cho ý kiến sớm về việc thay thế ghi nơi sinh thay vì quê quán trên một số giấy tờ tùy thân.

Với đề xuất trên, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tính cần thiết về nhận diện một công dân thì trên giấy tờ tùy thân chỉ cần ghi thông tin nơi sinh để có sự thống nhất và tránh phát sinh rắc rối.

Người dân đến đăng ký hộ tịch tại UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến đăng ký hộ tịch tại UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Là anh em ruột nhưng quê quán ghi khác nhau

Nhiều tháng nay, anh NNC ở quận 5, TP.HCM rất bức xúc với việc thông tin trên CCCD gắn chip của anh bị thay đổi khác với CCCD trước đây.

Cụ thể, trước đây CCCD của anh ghi quê quán là TP.HCM. Đầu năm 2022, anh đi đổi từ CCCD sang CCCD gắn chip thì thông tin trên giấy tờ tùy thân mới này lại ghi quê quán là Trung Quốc.

Anh C thông tin: Sau khi thấy thông tin trong CCCD gắn chip bị thay đổi, anh có đề nghị công an phường đổi lại như thông tin trên CCCD cũ. Thế nhưng, cán bộ công an giải thích việc ghi quê quán Trung Quốc dựa theo thông tin trên hộ khẩu. Anh C không đồng ý và yêu cầu chỉnh lại thì được hướng dẫn về UBND phường để giải quyết. Anh về phường thì phường chỉ lên quận. Anh lên tư pháp quận thì được giải thích thông tin trên CCCD do ngành công an quản lý.

“Tôi thấy việc ghi quê quán trong giấy tờ tùy thân của công dân vẫn chưa có sự thống nhất, điển hình như trường hợp của tôi. Trước đây, ông bà nội tôi sinh ra ở Trung Quốc. Sau đó, ông bà qua Việt Nam mới sinh ra cha tôi. Từ khi sinh ra và lớn lên, cha tôi sinh sống, lập gia đình ở TP.HCM. Riêng bản thân tôi cũng sinh ra và lớn lên ở TP.HCM thì quê quán của tôi phải được xác định là TP.HCM như CCCD được cấp ban đầu, vậy tại sao lại thay đổi. Chính vì thế, để xác định thông tin của một công dân thì chỉ cần ghi nơi sinh của người đó là hợp lý và không phải gặp rắc rối như trường hợp của tôi” - anh C chia sẻ.

Trường hợp khác, anh NNQ ở TP Thủ Đức cho biết cha của anh quê quán ở Khánh Hòa. Sau đó, cha anh tập kết ra Hà Nội thì sinh ra anh. Anh Q có hai người con, một người sinh năm 2011 và một người sinh năm 2015, cả hai đều đăng ký khai sinh cùng một phường.

Tuy nhiên, thông tin trên giấy khai sinh của người con lớn được cán bộ hướng dẫn ghi theo nơi sinh của anh là Hà Nội, còn người em thì vẫn được ghi quê quán là Khánh Hòa.

“Cùng là anh em ruột nhưng thông tin quê quán trong giấy khai sinh cũng khác nhau. Vì thế, tôi thấy việc xác định quê quán cũng chỉ là một hình thức và có cũng được, không có cũng được. Vì thế, với đề xuất ghi nơi sinh thay quê quán trên giấy tờ tùy thân, tôi thấy hợp lý và mang tính thống nhất hơn” - anh Q nêu ý kiến.

Việc xác định quê quán cần phải được định nghĩa rõ ràng và chỉ nên lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là được, không cần ghi thông tin trên giấy tờ tùy thân.

Nên ghi nơi sinh thay quê quán

Liên quan đến những quy định về ghi quê quán trên giấy tờ tùy thân, luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch; điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015 thì quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ, theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, khi làm giấy khai sinh, cán bộ sẽ căn cứ vào giấy khai sinh của cha, mẹ để ghi đúng thông tin về quê quán của con.

Còn nơi sinh, theo quy định của Luật Hộ tịch hiện hành là nơi chốn - địa danh trẻ được sinh ra. Nếu trẻ được sinh ra tại cơ sở y tế thì ghi nơi sinh theo tên cơ sở y tế kèm địa chỉ cơ sở y tế (đường, xã, huyện, tỉnh).

“Việc ghi thông tin quê quán hay nguyên quán chỉ để thể hiện nơi chôn nhau cắt rốn, gắn với cội nguồn và nó thiên về tình cảm gia đình. Còn đối với giấy tờ pháp lý gắn với cá nhân thì chỉ cần ghi nơi sinh. Vì thế thông tin về quê quán trên giấy tờ tùy thân có cũng được mà không có cũng được. Ngoài ra, việc xác định quê quán cần phải được định nghĩa rõ ràng và chỉ nên lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là được, không cần ghi thông tin trên giấy tờ tùy thân” - luật sư Nông nhận định.•

Bỏ thông tin quê quán trong giấy khai sinh sẽ tiện hơn

Trước năm 2016 (trước khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực), việc xác định quê quán của người đăng ký khai sinh không có sự thống nhất, có người khai quê quán của cha, người khai quê quán của mẹ, người thì khai nơi trẻ sinh ra. Vì thế, trước năm 2016 có xảy ra trường hợp cùng là anh em trong gia đình lại có quê quán khác nhau.

Từ năm 2016 đến nay, việc xác định quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ, theo thỏa thuận của cha, mẹ nên đã có sự đồng nhất với nhau.

Ngoài ra, năm 2012 Bộ Tư pháp có ra một mẫu phôi và bỏ hẳn phần quê quán đi, như vậy rất tiện lợi trong việc xác định quê quán của người dân.

Nếu ghi nơi sinh thay quê quán trên giấy khai sinh thì tôi cho rằng chưa hợp lý. Bởi trong giấy khai sinh đã có thông tin nơi sinh nên không cần thiết phải thay thế quê quán thành phần nơi sinh.

Đại diện UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm