Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 7-8. Tuy nhiên, theo GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu văn hóa dân tộc, nghị định này vẫn còn có những điểm bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục làm khó nghệ nhân
. Phóng viên: Giáo sư có thể dẫn chứng cụ thể hơn về những điểm mà ông cho là bất hợp lý của nghị định?
+ GS Hoàng Chương: Nghị định lần này vẫn tạo ra bất lợi cho người được bầu chọn. Cụ thể như tại Điều 5 quy định về tiêu chuẩn xét tặng NNND có đặt ra là họ phải “được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT”. Trong khi đó thực tế của chúng ta có nhiều nghệ nhân giỏi, rất giỏi nhưng chưa được phong tặng NNƯT. Hầu hết họ đều cao tuổi, nếu chúng ta phải đặt ra thêm một bước thì liệu họ còn sống để nhận danh hiệu hay không? Hay tại tiêu chí để phong tặng NNƯT cũng thế, có yêu cầu là phải có thời gian hoạt động trong nghề 15 năm trở lên.
. Tại tiêu chí phong tặng NNND và NNƯT cũng có một yêu cầu nữa là họ phải là người có thành tích, giải thưởng… Giáo sư nghĩ điều này có hợp lý không?
+ Theo tôi là không. Chúng ta phải hiểu rằng nghệ nhân họ ẩn mình trong dân gian, họ hát trong làng, trong xã, người nghe chỉ thưởng thức chứ có ai nghĩ mình phải bầu chọn cho nghệ nhân đó. Bản thân những nghệ nhân đó cũng không đi thi gì cả thì làm sao mà có giải thưởng. Không ai nghĩ đến việc tôn vinh nghệ nhân thì làm sao lại có được giải thưởng? Như trường hợp bà Hà Thị Cầu, bà ấy được coi là vua hát xẩm của nước ta, mà cũng chỉ lần đầu tiên cơ quan tôi trao một giải thưởng là giải Đào Tấn, toàn quốc không ai trao cái gì hết, cái giải thưởng ấy mỗi khi có ai hỏi đến thì bà ấy ôm giải thưởng lên, xoa xoa và nói: “Đây là vinh dự đời tôi và tôi sẽ mang nó xuống mồ”.
GS Hoàng Chương kể có nghệ nhân từng nói với ông: “Trời cho giọng hát thì hát cho vui chứ chúng tôi có thiết gì danh hiệu”. Ảnh: Viết Thịnh
Nhiều người chán nản bỏ cuộc
. Nhân nói chuyện hồ sơ, đã có nhiều ý kiến trước đó rằng việc yêu cầu nghệ nhân làm hồ sơ khiến họ nghĩ đến việc xin-cho, vậy nên nhiều người đã từ chối, giáo sư suy nghĩ sao về việc này?
+ Thực tế đó là có thật và tôi đã có dịp kiểm chứng qua nhiều chuyến khảo sát khắp cả nước. Thời gian kéo dài quá lâu, thủ tục quá nhiêu khê, nghệ nhân vì nản hoặc họ giữ tự trọng nên họ không muốn làm đâu. Những trường hợp này tôi gặp nhiều lắm, nhiều quá nên cũng không nhớ rõ từng tên người được. Hơn nữa là hồ sơ cũng không phải đơn giản. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của cô Mai Tuyết Hoa, cô ấy hiện nay là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc, thế mà khi được yêu cầu làm hồ sơ, cô ấy cũng phải chạy lên tận bộ để hỏi. Như thế thì không hiểu xuống đến các nghệ nhân, có nghệ nhân còn không biết chữ thì họ biết làm như thế nào, biết hỏi ai?
. Vậy theo giáo sư, việc yêu cầu nghệ nhân làm hồ sơ có thật sự cần thiết?
+ Theo tôi trước nhất phải hết sức quan tâm đến tài năng thực sự và sự cống hiến của tài năng, cái đó quan tâm nhiều hơn là thủ tục giấy tờ, phải hết sức thông cảm cho người làm thủ tục. Chúng ta ép người ta làm đúng hồ sơ như thế chắc chắn khó khăn, có người làm không đạt yêu cầu. Tài năng và sự cống hiến là quan trọng nhất, đấy mới là hồ sơ.
. Xin cảm ơn giáo sư.
VIẾT THỊNH thực hiện
Nghệ nhân MAI TUYẾT HOA: Có làm mới thấy hồ sơ quá phức tạp Dù là học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu, đi nhiều nơi trình diễn nghệ thuật hát xẩm cũng như mở lớp đào tạo nghệ nhân hát xẩm nhưng bản thân tôi cảm thấy mình khó mà đạt đủ các tiêu chí để được phong tặng danh hiệu NNƯT bởi tôi chưa đủ 15 năm hoạt động. Khi được khuyến khích làm hồ sơ phong tặng thì tôi cũng làm nhưng có làm mới biết nó quá phức tạp khiến tôi rất nản lòng. Thực ra lĩnh vực hoạt động nghệ thuật của nghệ nhân chúng tôi rất thầm lặng, không có mấy ai nghĩ đến danh hiệu này, danh hiệu nọ đâu. Tôi nghĩ Nhà nước cần có phương án khác để khuyến khích tài năng dân gian như tặng bằng khen hay ghi nhận tay nghề chứ cứ bắt làm hồ sơ kiểu xin-cho như hiện giờ thì cực cho chúng tôi quá. |