Đó là dấu hiệu khởi sắc cho đội bóng có nhiều fan nhất V-League nhưng đằng sau những chiến thắng đó còn rất nhiều vấn đề.
Với lối chơi năm tiền vệ, HA Gia Lai bố trí đến ba tiền vệ mạnh ở trung tâm là Tuấn Anh, Xuân Trường và Minh Vương thì hầu như cả ba không chủ động lùi về tham gia phòng ngự khi cầu môn nhà bị vây hãm.
Cả hai trận thắng của HA Gia Lai, nhất là thắng Thanh Hóa còn rất vất vả. Bù lại thì hầu như cả đội HA Gia Lai thể hiện cao nỗ lực của mình với phương châm “thắng hay là rớt hạng”. Chơi sơ đồ 3-5-2, nếu tuyến giữa không về hỗ trợ quyết liệt khi bị vây ráp thì HA Gia Lai sẽ còn vất vả nhiều. Hoàn toàn có thể đặt câu hỏi những nỗ lực của vài tiền vệ khỏe như Kiên Quyết sẽ kéo dài được bao lâu?
Văn Toàn xông xáo và nỗ lực vượt bậc để thực hiện đường chuyền quyết định ấn định tỉ số 3-2 trong chiến thắng Thanh Hóa nhưng HA Gia Lai cần phải thay đổi lối chơi. Ảnh: CTV
Bốn cầu thủ phòng ngự của HA Gia Lai gồm ba hậu vệ và thủ môn chưa bao giờ cho thấy ăn ý nhau, không thấy bóng dáng của người chỉ huy hàng thủ. Thủ môn Sietsma thường bắt chính nhưng trong trận thắng Thanh Hóa thì Văn Trường thay thế. Hai trung vệ được trông chờ là Kim Boon-jin và Hoàng Lâm nhưng cả hai thiếu hỗ trợ và hợp tác hay ăn ý nhau.
Vẫn biết rằng muốn thay đổi thì phải từ từ, không thể đòi hỏi một sớm, một chiều. Trước mắt hai trận thắng liên tiếp với hai đối thủ mạnh khiến toàn đội HA Gia Lai hưng phấn. Tuy nhiên, khi tính đến đường dài thì lối chơi này của họ rõ ràng không ổn.
Cái chính là HLV Lee Tae-hoon cần phải phân công lại ở hàng phòng ngự, kể cả thủ môn. Điều quan trọng nữa là các tiền vệ phải tích cực hơn trong việc chủ động phòng ngự từ xa và khi cầu môn nhà bị áp lực lớn thì họ cần phải chia lửa cho hàng thủ, thậm chí là cần phòng ngự từ tuyến hai nữa.
Những Văn Toàn, Minh Vương, Xuân Trường, Tuấn Anh… đã nỗ lực hết mình để tìm chiến thắng. Cách thể hiện này nếu cứ khai thác, trông chờ mãi mà không có những thay đổi tổng thể trong lối chơi thì chặng đường dài sẽ rất khó khăn.