Hai nhà hàng xóm đều than mất đất

Báo Pháp Luật TP.HCMnhận được phản ánh của người dân về việc hai hộ dân sát vách tranh chấp một bức tường. Cụ thể, UBND quận Gò Vấp đã cấp cho mỗi hộ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) rạch ròi, tách bạch nhưng khi một hộ xây nhà lại phát hiện bức tường hiện hữu giữa hai mảnh đất khiến đất họ bị thiếu chiều ngang.

Tranh nhau bức tường gạch

Bà Vũ Thị Bảo (phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM) trình bày: “Năm 2003 gia đình tôi mua một mảnh đất rộng 155,5 m2 thuộc thửa số 643, tờ bản đồ số 1, phường 5, quận Gò Vấp, có tường gạch cao khoảng 40 cm bao quanh theo ranh đất. Sau đó tôi cho lợp tôn lên cao để giữ đất. Mảnh đất này đã được UBND quận Gò Vấp cấp GCN vào năm 2014”.

Năm 2015, bà Hoàng Thị Thuận cũng được quận cấp GCN mảnh đất ở sát vách đất nhà bà Bảo. Sau đó bà Thuận đi xin giấy phép xây dựng để xây nhà. Lúc tiến hành đo đất, bà Thuận phát hiện hai mảnh đất của mình và bà Bảo có đoạn chồng lấn. Cụ thể, cả hai bên đều khẳng định bức tường gạch giữa hai nhà là thuộc sở hữu của mình bởi nếu trừ ra thì diện tích đất không đủ theo giấy tờ.

Theo bà Bảo, ngày 19-3, bà Thuận xây nhà và đã tự ý đập hàng gạch, phá hàng rào tôn trên để thi công. “Tôi đã phản ánh việc này lên phường, đề nghị phường ngăn chặn, giải quyết tranh chấp nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được. Gia đình tôi mua đất đã nhiều năm, hàng rào vẫn dựng như vậy từ đó đến nay bỗng nhiên lại bị đập phá, như vậy là gia đình tôi mất đất rồi. Tôi chỉ cần gia đình hàng xóm ngồi lại nói rõ sự việc và thương lượng hợp lý thì sự việc sẽ được giải quyết” - bà Bảo bức xúc.

Hai căn nhà xảy ra tranh chấp ranh giới đất. Ảnh: THÁI NGUYÊN

Phường hòa giải không xong, phải chờ tòa

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Thuận cho biết năm 2017 bà mua đất và có GCN mảnh đất diện tích là 4 x 22 m (nở hậu 4,06 m). Sau khi xin giấy phép xây dựng, gia đình bà đã tiến hành xây dựng ngay theo đúng bản vẽ.

“Khi khởi công, do gặp phải sự phản đối của nhà bà Bảo nên chúng tôi đã thuê một đơn vị độc lập đến xác định mốc xây dựng trước khi làm móng. Theo kết quả cắm mốc thì giữa hai nhà không bị chồng lấn ranh nhau, thế nhưng bà Bảo lại không cho đơn vị này vào đất của bà để thực hiện cắm mốc. Việc bà Bảo không phối hợp như vậy sẽ gây khó khăn cho việc xác định ranh giới đất giữa hai nhà” - bà Thuận nói. Ngoài ra, bà Thuận cho rằng diện tích xây dựng của bà hiện vẫn bị thiếu so với diện tích đất đã mua khoảng 15 cm chiều ngang.

Trả lời câu hỏi vì sao không cho tạm dừng thi công, chờ cho mọi việc rõ ràng để tránh thiệt hại nếu có, bà Thuận cho biết: “Hiện gia đình tôi đang vay tiền ngân hàng và phải đi ở trọ, nếu dừng thi công sẽ phải bồi thường cho đơn vị thi công, thiệt hại kinh tế về nhiều mặt nên không thể dừng được”.

Ông Đỗ Ngọc Lãm, Chủ tịch phường 5, cho biết: “Hiện nay cả hai hộ dân đều có chủ quyền hợp pháp, hợp lệ. Khi bà Thuận tiến hành xây dựng thì phát hiện bị thiếu đất và cả hai bên có yêu cầu mời một bên thứ ba để xác định ranh giới đất. Việc tranh chấp ranh giới đất này phường đã hòa giải ba lần nhưng đều không thành”.

Ông Lãm lý giải: Phường không có chức năng đo vẽ, cắm mốc tọa độ nên để xác định ranh giới giữa hai bên thì cần mời một đơn vị độc lập. Ngoài ra, khi được cấp GCN thì chủ sở hữu nhà ở, chủ sử dụng đất ở phải phối hợp với đơn vị tư vấn đo vẽ, chịu trách nhiệm về tính pháp lý các thông tin trên bản vẽ. Trong quá trình này, nếu có sai sót thì người chủ đất sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

“UBND phường 5 đã hướng dẫn người dân đưa sự việc ra tòa để giải quyết. Ngày 9-5, Tòa án quận Gò Vấp đã ra quyết định khẩn cấp tạm ngưng thi công đối với căn nhà của bà Thuận, chờ tòa có phán quyết chính thức” - ông Lãm thông tin.

Phường phải xác định nguồn gốc đất để trả lời cho dân

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết UBND quận có nhận được phản ánh của người dân về việc tranh chấp ranh giới đất nói trên. Hiện quận đã yêu cầu phường xác định nguồn gốc đất, từ đó sẽ đưa ra câu trả lời cho người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm