Bản dự thảo mới nhất của Hiến pháp (HP) 1992 sửa đổi (dự thảo ngày 9-9) đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH chiều 13-9. Đây cũng được coi là cuộc họp của Đảng đoàn QH để có báo cáo riêng với Bộ Chính trị, trước khi vấn đề HP được trình BCH Trung ương Đảng vào Hội nghị lần thứ 8, dự kiến mở cuối tháng này. Sau đó, kỳ họp QH tháng 10 sẽ xem xét, quyết định thông qua.
Kinh tế nhà nước: Vẫn ý kiến khác nhau
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại diện Ủy ban Dự thảo HP, đã trình bày tờ trình cũng như những vấn đề lớn đã được “gút” lại để thảo luận. Theo đó, dự thảo 9-9 về cơ bản không có điều chỉnh lớn so với bản mà QH đã cho ý kiến ở kỳ họp giữa năm. Chỉ còn bốn nội dung được thể hiện bằng hai phương án.
Thứ nhất là Điều 51 về chế độ kinh tế, bám sát nghị quyết của Đảng nhưng diễn đạt cô đọng theo hai hướng: Có (phương án 1) và không (phương án 2) hiến định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Thu hồi đất thực hiện dự án chỉnh trang kênh Tân Hóa- Lò Gốm, TP.HCM. Ảnh: HTD
Ở nội dung này, trong khi nhiều ủy viên Thường vụ nghiêng theo phương án 1 thì vẫn có thiểu số cho rằng không nên hiến định. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải: “Phương án 2 có tính bao quát hơn và vẫn mang hơi thở của Cương lĩnh. Chúng ta đang ở giai đoạn phát triển mà các thành phần, hình thức sở hữu đan xen nhau, chưa thành phần kinh tế nào đạt được vị trí độc tôn. Nếu quy định như cũ (phương án 1 - PV) thì thực tế đã dẫn đến hiểu nhầm, đồng nhất quản lý nhà nước về kinh tế với nhà nước làm kinh tế”.
Quan điểm của ông Hiển trùng với ý kiến nhiều ĐBQH trong kỳ họp tháng 5. Tại kỳ họp này, không chỉ thể hiện trong các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường, các ĐBQH còn tham gia ý kiến qua phiếu thăm dò của Thường vụ. Trong các phương án về kinh tế nhà nước, tuy không phương án nào đạt số ủng hộ áp đảo nhưng không hiến định vẫn được ủng hộ nhiều nhất với 158/357 phiếu thu về.
Tránh lạm quyền trong thu hồi đất
Nội dung thứ hai là phạm vi thu hồi đất, cũng với phương án 1 là hiến định cho chính quyền được thu hồi đất “để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội”, còn phương án 2 là không đề cập. Về cơ bản, các ủy viên Thường vụ đều nghiêng theo phương án 1. Quan điểm ấy cũng đã được thể hiện khá rõ trong phiên thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai ngày hôm trước. Theo đó, do kiên trì quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý nên HP phải khẳng định Nhà nước có quyền thu hồi đất, kể cả để phục vụ dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, xuống tới luật thì cần thể hiện rõ tiêu chí dự án nào thì được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi, dự án loại nào nên để doanh nghiệp - người có đất tự thỏa thuận. Có thế mới ngăn ngừa được việc lạm dụng công quyền để thu hồi đất với giá rẻ mạt của dân, giao doanh nghiệp kiếm lời.
Bỏ HĐND phường
Vấn đề thứ ba là mô hình chính quyền địa phương. Cuối kỳ họp QH trước, tuy tỉ lệ không áp đảo nhưng có tới 155/357 phiếu ý kiến ĐBQH cho rằng sửa HP lần này nên theo hướng chỉ hiến định các vấn đề mang tính bản chất nhất của địa phương, còn lại sẽ quy định trong luật. Như thế mới có không gian để tiến tới những cải cách về tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương, có phân biệt nông thôn - thành thị, đất liền, hải đảo. Ngoài ra, sửa HP phải dựa vào kết quả thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Tổng hợp các nguồn ý kiến khác nhau thấy còn khá phân tán, một bên muốn có HĐND ở cả ba cấp chính quyền, một bên muốn bỏ cấp HĐND như thí điểm.
Từ đó, dự thảo mới nhất đưa ra phương án 1 là tổ chức HĐND ở tất cả đơn vị hành chính, trừ cấp phường ở đô thị. Còn phương án 2 là tất cả đơn vị hành chính lãnh thổ đều có chính quyền đầy đủ, cả UBND và HĐND - tức giữ nguyên như HP hiện hành.
Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ QH cho thấy hầu hết ý kiến nghiêng về phương án 1, tức có thay đổi về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở cấp phường.
Hội đồng HP chỉ có quyền kiến nghị Do tại kỳ họp QH trước, đa số phiếu ý kiến ĐBQH mong muốn có một cơ chế tập trung trong bảo hiến, nên dự thảo lần này không còn phương án “nói không” với Hội đồng HP. Theo dự thảo, nếu phát hiện luật, nghị quyết của QH vi hiến, Hội đồng HP được kiến nghị lên QH để quyết định xem có thừa nhận vi hiến không. Còn nếu phát hiện văn bản dưới luật vi hiến thì có hai phương án. Một là vẫn phải trình QH xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất. Hai là ra thông báo yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản điều chỉnh trong thời hạn ba tháng. Hết thời hạn này mà không sửa đổi thì quy định vi hiến đó mất hiệu lực thi hành. |
NGHĨA NHÂN