Hàng nghìn sinh viên học xong chờ gần 2 năm vẫn chưa được thi để cấp bằng

(PLO)- Hàng nghìn sinh viên cao đẳng đã xong chương trình học, nhưng gần 2 năm trôi qua vẫn chưa được thi để cấp bằng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, 45 trường trọng điểm tại Việt Nam thực hiện chương trình chuyển giao bộ tiêu chuẩn nghề và đào tạo thí điểm 22 nghề theo tiêu chuẩn Đức. Hiện hàng nghìn sinh viên học xong nhưng vẫn chưa được thi để cấp bằng.

“Dính” AIC nên… phải chờ

Sự việc bắt đầu từ năm 2015, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cùng Tập đoàn đào tạo Avestos (Đức) ký bản ghi nhớ hợp tác và phát triển các chương trình đào tạo nghề giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều thay đổi về đơn vị hợp tác với Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Avestos ủy quyền cho Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) ký kết một số hợp tác với Tổng cục dạy nghề.

Các bộ chương trình chuyển giao từ Đức là các chương trình đang được đào tạo tại các trường nghề của quốc gia này. Khi chuyển sang Việt Nam chỉ điều chỉnh khoảng 10% cho phù hợp với thị trường lao động Việt Nam.

45 trường nghề tham gia chương trình sẽ được đào tạo bồi dưỡng giáo viên, được nhận các bộ chương trình, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức.

Bà NTL (ngụ ở Nghệ An), cho biết trước khi cho con theo học chương trình này tại Trường cao đẳng Việt – Hàn bà có tìm hiểu rất kỹ và được biết đây là chương trình liên kết với Đức, khi học xong được cấp 2 bằng, đặc biệt được sang Đức làm việc. Vì vậy, bà quyết định cho con theo học.

“Hơn 3 năm trời con tôi cố gắng học hành để sớm được nhận bằng, nhưng gần 2 năm trôi qua cháu vẫn chưa được thi để cấp bằng. Đây là độ tuổi chín tham gia vào thị trường lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình góp phần phát triển đất nước, vậy mà giờ cháu chỉ ở nhà phụ mẹ bán hàng để chờ thi… Việc này khiến gia đình tôi rất bức xúc”- bà NTL cho hay.

Theo chương trình đã được phê duyệt, mỗi nghề được thiết kế gồm 2 phần: các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình được chuyển giao từ Đức.

Thời gian khóa học là từ 3 - 3,5 năm, tùy theo từng nghề. Khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên được đánh giá kết quả đầu ra, đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng: một bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp; một bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và có thể làm việc tại Đức.

Hàng nghìn sinh viên cao đẳng đang mong chờ được thi. Ảnh: P.PHONG
Sau khi hoàn thành chương trình học, hàng nghìn sinh viên đang mong chờ được thi để lấy bằng. Ảnh minh họa: P.PHONG

Như vậy, với quy định trên lẽ ra tháng 10-2022, khoảng 1.000 sinh viên đã được thi, nhận 2 bằng tốt nghiệp của Đức và Việt Nam đối với các nghề có thời gian đào tạo 3 năm và tháng 5-2023 đối với các nghề có thời gian đào tạo 3,5 năm. Tuy nhiên, các sinh viên hiện vẫn chưa được thi để nhận bằng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết các sinh viên chưa được nhận bằng đúng hạn là do chưa có kinh phí để thực hiện các nội dung còn lại của chương trình, trong đó có việc tổ chức thi tốt nghiệp.

Thêm vào đó, do một số vấn đề liên quan đến AIC nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian dài, dẫn đến sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp của Đức và Việt Nam.

Ngoài ra, quy định hiện hành cho phép cấp bằng cao đẳng của nước đang chuyển giao bộ chương trình trước, trường hợp muốn có thêm bằng cao đẳng Việt Nam phải học thêm các môn chung theo chương trình đào tạo trong nước. Song các sinh viên đang được đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao theo đề án chuyển giao nghề do Thủ tướng phê duyệt, nếu thực hiện cấp bằng cao đẳng của Việt Nam trước khi cấp bằng của CHLB Đức thì phải được Thủ tướng cho phép.

Đề xuất cấp bằng cao đẳng của Việt Nam trước

Theo tìm hiểu của phóng viên PLO, trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã 3 lần báo cáo Thủ tướng cho phép đơn vị được hướng dẫn các trường tổ chức thi, cấp trước bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên. Về bằng tốt nghiệp của Đức sẽ tổ chức thi và cấp sau khi các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.

Trên cơ sở đề xuất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp và giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì đánh giá mức độ tương thích của chương trình, nội dung đào tạo để được công nhận, thừa nhận lẫn nhau, hoặc điều kiện miễn trừ khi xem xét tổ chức thi sát hạch và cấp văn bằng cho sinh viên theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cũng được giao báo cáo rõ chương trình đào tạo này đã được cơ quan có thẩm quyền nào của phía Đức đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện. Đồng thời, rà soát lại thỏa thuận hợp tác, trong đó nêu rõ cơ quan, đối tác thỏa thuận cũng như mức độ cam kết của thỏa thuận và nghĩa vụ phải thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng cục dạy nghề chủ trì thành lập tổ rà soát, đánh giá chương trình chuyển giao từ Đức. Kết quả, 45 trường tuyển sinh đầu vào lớp thí điểm đảm bảo theo quy định đối với trình độ cao đẳng. Thậm chí đầu vào lớp thí điểm các trường lựa chọn cao hơn lớp cao đẳng thông thường của trường.

Thêm vào đó, giáo viên đứng lớp đều đạt chuẩn theo quy định của Việt Nam. Toàn bộ 45 trường đã giảng dạy 6 môn học chung bắt buộc ở trình độ cao đẳng theo quy định của Việt Nam.

Về đánh giá tương thích nội dung chương trình chuyển giao từ Đức với chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra tương ứng của Việt Nam, tổ rà soát đánh giá 12/66 lớp chưa hoàn toàn tương thích.

Với kết quả trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sinh viên các lớp đào tạo thí điểm theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định về tuyển sinh trình độ cao đẳng theo quy định.

“Hiện các em đều mong muốn được cấp bằng cao đẳng của Việt Nam để có cơ hội tham gia thị trường lao động hoặc tiếp tục học lên cao hơn. Vì vậy, việc cho phép các trường tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng cao đẳng Việt Nam cho sinh viên trong khi chưa cấp được bằng của Đức là cấp thiết để bảo đảm quyền lợi cho sinh viên…

Nếu sinh viên không được thi tốt nghiệp, không có điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao hơn ở trong nước và nước ngoài sẽ gây bức xúc, khiếu kiện, tạo ra dư luận, phản ứng tiêu cực từ sinh viên, phụ huynh và dư luận xã hội…”- Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, hiện đơn vị đang tiếp tục đề xuất Thủ tướng cho phép được hướng dẫn các trường tổ chức đánh giá, cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên trước khi tổ chức thi, cấp bằng của Đức cho toàn bộ 45 trường tham gia đào tạo thí điểm.

“Việc cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên trước khi cấp bằng của Đức chỉ là thay đổi quy trình và vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Đầu tháng 10-2022, các chuyên gia Đức đã tới Việt Nam để tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, Tổng cục dạy nghề yêu cầu tạm dừng chương trình, bởi thời điểm này phía Việt Nam đang làm rõ một số sai sót trong hợp đồng ký kết với AIC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm